Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2012

Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2012 - Siết chặt kỷ luật phòng thi

Hôm qua, hơn 430.000 thí sinh trên cả nước bước vào ngày làm thủ tục dự thi tuyển sinh đại học - cao đẳng đợt thi thứ 2. Ghi nhận tại nhiều hội đồng thi cho thấy, giám thị đã phổ biến quy chế thi tập trung chủ yếu vào hai nội dung chính đó là tuyệt đối không được mang điện thoại di động (ĐTDĐ) vào phòng thi, hết 2/3 thời gian làm bài thí sinh được phép ra ngoài nhưng không được mang đề thi ra ngoài.

Tập trung phổ biến quy chế

Ít thí sinh khối C, căng thẳng ở khối B và D

Hôm nay, các thí sinh bước vào ngày thi đầu tiên của các khối B, C, D và các khối năng khiếu.

Hôm qua (8-7), 576.534 thí sinh (TS) chiếm 75,3% số TS đăng ký dự thi đã đến trường làm thủ tục dự thi. Tại hầu hết các trường, lượng TS phải chỉnh sửa hồ sơ không nhiều.
Phát biểu trước ngày thi chính thức, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Đợt thi thứ hai gồm nhiều môn thi, trong đó nhiều môn tự luận có thể quay cóp, TS gây mất trật tự nên Bộ đã chỉ đạo các hội đồng thi tăng cường tập huấn giám thị về việc giám sát chặt các vật dụng, thiết bị TS mang vào phòng thi.
Khối C: Nhiều phòng thi chỉ khoảng 50% TS

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

Trường nghề thấp thỏm

Trong lúc các trường đại học tất bật với mùa tuyển sinh thì các trường nghề lại đang thấp thỏm liệu có tuyển đủ chỉ tiêu để mở lớp? Những tưởng khi chính sách thông thoáng, thị trường lao động cần thì các trường nghề sẽ khởi sắc nhưng trên thực tế không phải như thế.

Chạy cùng sào mới vào... trường nghề
TPHCM hiện tại có 420 cơ sở dạy nghề, trong đó có 11 trường cao đẳng; 29 trường trung cấp nghề; 92 trung tâm dạy nghề; 18 trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và 270 doanh nghiệp, tổ chức xã hội tham gia dạy nghề với năng lực đào tạo khoảng 400.000 lượt sinh viên, học viên/năm. Bên cạnh đó, nhiều chính sách thu hút học sinh vào học trường nghề được nới rộng, ưu tiên.

Dự thảo học phí chất lượng giáo dục cao

Lần đầu tiên, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Quy định về học phí chất lượng giáo dục cao trong các trường mầm non, phổ thông công lập.

Theo đó, trường công lập được phép thực hiện chất lượng giáo dục cao khi được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, công nhận đã đạt yêu cầu theo quy định về tiêu chuẩn đánh giá nhà trường của Bộ GD-ĐT.
Mức thu học phí chất lượng giáo dục cao để bù đắp chi phí đào tạo, không vì mục đích lợi nhuận, phù hợp với khả năng đóng góp của người học, trên cơ sở thỏa thuận và tự nguyện của cha mẹ học sinh. Người học tham gia hoạt động chất lượng giáo dục cao, hưởng dịch vụ giáo dục cao thì đóng góp theo mức thu áp dụng cho chất lượng, dịch vụ đó.
Việc thực hiện điều chỉnh mức thu (nếu có) phải dựa trên kết quả đánh giá chất lượng giáo dục và trách nhiệm thực hiện cam kết của nhà trường, của học sinh và cha mẹ học sinh.

Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

Khoa học-công nghệ trên đà hụt hẫng nhân lực


Đây là cảnh báo của các nhà quản lý, giáo dục, nghiên cứu tại hội thảo "Chính sách phát triển nhân lực khoa học và công nghệ (KH-CN) do Bộ KH-CN, Ban Tuyên giáo Trung ương vừa tổ chức tại Hà Nội.

Chỉ 5-7 năm nữa

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội kể lại câu chuyện thực từ một trường đại học danh tiếng đã khiến không ít người có trách nhiệm cảm thấy bất an. GS Giang cho biết, năm 2012, trường ông nhận được rất ít hồ sơ đăng ký tuyển sinh từ các trường THPT danh tiếng, với ngành khoa học xã hội nhân văn lại càng ít hơn. “Giới trẻ không thích vào ngành khoa học thì đồng nghĩa với việc các cơ quan nghiên cứu không tuyển dụng được người tài. Những người học giỏi không theo làm khoa học nữa. Các nhà khoa học đầu ngành đến tuổi về nghỉ hưu, song không tìm được người kế cận xứng đáng. Cứ thế này, chỉ 5-7 năm nữa, nước ta sẽ thiếu hụt trầm trọng đội ngũ cán bộ khoa học trẻ có trình độ”, GS Giang buồn bã.

Lý giải về nguyên nhân người trẻ không muốn “đệ đơn” vào ngành khoa học được nhìn theo nhiều góc độ. TS Văn Tất Thu, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã thu gọn bằng cụm từ chúng ta đang “hành chính hóa sự nghiệp khoa học công nghệ”. Chỉ đơn giản nhìn vào hệ thống thang bảng lương của các nhà khoa học đã bộc lộ việc chưa chú trọng đến yếu tố hiệu quả công việc, không phản ánh đúng mức chênh lệch về trình độ chuyên môn cũng như công việc đang đảm nhiệm. Chính sách tiền lương chưa bảo đảm cuộc sống của cán bộ khoa học, chưa thu hút được người có trình độ chuyên môn cao ở lại phục vụ lâu dài trong bối cảnh cạnh tranh thu hút nhân tài trong nền kinh tế thị trường. Chính sách trọng dụng, khen thưởng và tôn vinh còn mang nặng dấu ấn của tư tưởng bao cấp, cào bằng.

Các nhà khoa học đầu ngành đến tuổi về nghỉ hưu song không tìm được người kế cận xứng đáng. (Trong ảnh GS.TSKH Trần Duy Quý kiểm tra cây trong phòng thí nghiệm) ảnh Bích Ngọc

TS Thu nêu ví dụ: “Một vận động viên đi thi đấu thể thao mang về cho quốc gia huy chương có thể được phong ngay Huân chương Lao động hạng 3, thế nhưng người nghiên cứu có những công trình giá trị lại không được ưu ái như vậy”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thẳng thắn chỉ ra, trong khi số lượng sinh viên tăng lên khoảng 13 lần, còn giảng viên (tính gộp) mởi chỉ tăng có hơn 3 lần. Như vậy quy mô đào tạo lớn là một rào cản cho vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực KH-CN. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới năm 2008, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10), xếp thứ 11 trong số 12 nước châu Á tham gia xếp hạng.

Cần bỏ ngay chế độ cào bằng

Nhiều ý kiến cho rằng, phải bỏ ngay chế độ cào bằng và chủ nghĩa bình quân. Nếu còn để tình trạng này thì một nhà khoa học dù làm nhiều, làm ít hoặc không làm gì nhưng nếu thuộc danh sách biên chế, trả lương của tổ chức KHCN công lập thì vẫn được ngân sách chi trả. Ngoài ra, khi nghiên cứu đề tài, dự án lại được hưởng thêm phụ cấp. Nghiễm nhiên điều này đã “khuyến khích” nhà khoa học không thực sự chuyên tâm với nghiên cứu cũng không dại gì mà tự “chuốc khổ” vào thân.

 Báo Đất Việt phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học-Công nghệ, Bộ KH&CN tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Đổi mới quản lý KH&CN, phương thức đầu tư, cơ chế tài chính và phát triển nguồn nhân lực KH&CN” vào hồi 9 - 11h ngày 10/7/2012 tại Trụ sở Báo Đất Việt (108 Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội).
Thế nhưng, GS Vũ Minh Giang cũng không ngại ngần “vạch mặt” một thực tế đáng buồn đó là phàm là cái gì mới, lạ, khác thường trong việc ưu ái cho cán bộ giỏi, có năng lực thì cái đó cũng bị “ném đá” không thương tiếc. Còn ngược lại, cứ chia đều thì tất cả đều “bình yên”.


Nói như PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, từ khâu đào tạo, tuyển dụng, đãi ngộ, đánh giá nhân lực KH-CN… đều có vấn đề. “Việt Nam muốn phát triển điện hạt nhân nhưng bây giờ mới cử người đi đào tạo, những người trước đây học đã phải đi làm ngành khác; học toán phải làm ở nước ngoài thì mới có Ngô Bảo Châu”, ông Lĩnh nói.

TS Thu đề xuất nhiều giải pháp, trong đó cần phải xây dựng quy chế riêng về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong các tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ; bố trí sử dụng viên chức phải đúng người đúng việc, tạo điều kiện để các viên chức phát huy cao nhất trình độ năng lực của họ; chính sách chi trả lương, trọng dụng, đãi ngộ, khen thưởng và tôn vinh…

Trước đó, năm 2006, Bộ KH-CN đã xây dựng đề án đào tạo cán bộ khoa học theo ê-kíp và đề án sử dụng, trọng dụng cán bộ KH-CN, tập trung vào nội dung: thí điểm áp dụng cơ chế tự chủ đặc biệt về tài chính đối với các nhà khoa học được Nhà nước giao chủ trì nhiệm vụ KH-CN đặc biệt cấp quốc gia; thí điểm áp dụng cơ chế tự chủ tài chính đặc biệt đối với cán bộ KH-CN xuất sắc được giao nhiệm vụ ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH-CN tại các trường ĐH, các tổ chức KH-CN trọng điểm. Ngoài ra, sẽ ban hành bổ sung một số chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài và các nhà khoa học người nước ngoài đến làm việc ở Việt Nam. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, chủ trương, chính sách này chưa được các cấp có thẩm quyền thống nhất trình Thủ tướng phê duyệt.

Thực tế trên rất dễ để có thể hiểu được vì sao Việt Nam sẽ thiếu nguồn nhân lực trong tương lai gần, song để thay đổi điều này cần rất nhiều sự cố gắng của nhiều cấp. Dù vậy, giới khoa học vẫn kỳ vọng những chuyển biến tích cực để khoa học thực sự được sáng tạo.

Ngày đầu thi đại học đợt 1-2012: Đề thi đúng tầm



Đúng như dự đoán, ngày đầu tiên của kỳ thi đại học (ĐH) đã diễn ra không mấy êm ả dù điều kiện thời tiết ở cả 3 miền tương đối dễ chịu. Có 2 vấn đề được xã hội quan tâm: Thứ nhất là kỷ luật phòng thi sau khi Bộ GD-ĐT bổ sung quy chế khuyến khích tố cáo tiêu cực cho phép thí sinh (TS) mang vào phòng thi các thiết bị có chức năng “thu” chứ không “phát” thông tin và thứ hai - quan trọng nhất - là chất lượng đề thi có đảm bảo lựa chọn những TS học được ở bậc học cao nhất. Với yêu cầu đầu tiên về sự nghiêm túc, đã có một sự cố xảy ra ở môn thi Toán khi có những nghi vấn đề thi bị tuồn ra ngoài ở thời điểm chưa hết thời gian thi và Bộ GD-ĐT phải nhờ cơ quan an ninh điều tra làm rõ. Còn về đề thi, có thể khẳng định là đúng tầm một kỳ thi ĐH với sự phân loại rất cao, có nhiều câu để học sinh trung bình làm nhưng cũng có nhiều câu chỉ học sinh giỏi mới làm được.

Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

Bước đầu thực hiện lộ trình đổi mới thi, tuyển sinh đại học, cao đẳng



Thanh niên tình nguyện túc trực tại các bến xe, nhà ga trên địa bàn TP Hà Nội để giúp đỡ, hướng dẫn đưa đón thí sinh và người nhà trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2012. Trong ảnh: Hướng dẫn các thí sinh tại bến xe phía nam.  
 
Kỳ thi, tuyển sinh đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ) năm 2012 có một số điểm mới, nhằm thực hiện lộ trình đổi mới thi, tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.
Phóng viên Báo Nhân Dân đã phỏng vấn đồng chí Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng GD ÐH, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh (Bộ GD và ÐT) về những thay đổi trong kỳ thi, tuyển sinh năm nay.
Phóng viên (PV): Kỳ thi năm 2012 có một số thay đổi, bổ sung so với các kỳ thi trước. Xin đồng chí cho biết, lộ trình đổi mới thi, tuyển sinh ÐH, CÐ được triển khai như thế nào?
Ðồng chí Bùi Anh Tuấn: Kỳ thi ÐH, CÐ năm 2012 vẫn theo hình thức "ba chung" như những năm trước. Tuy nhiên, kỳ thi năm nay, Bộ GD và ÐT cũng chủ trương đưa ra một số điều chỉnh, chủ yếu nằm trong khâu tổ chức thi, nhằm thực hiện lộ trình đổi mới thi, tuyển sinh ÐH, CÐ. Trong đó, thực hiện tuyển thẳng học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT; bổ sung khối thi A1 gồm các môn Toán, Lý, tiếng Anh; bổ sung cụm thi Hải Phòng; thí sinh dự thi tại cụm Vinh được đăng ký học các trường ÐH đóng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; thí sinh dự thi được trường tổ chức thi cấp hai giấy chứng nhận kết quả thi đại học; không xác định số lần xét tuyển. Ðáng chú ý, thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP sẽ được xét tuyển vào ÐH, CÐ...
Việc thực hiện những thay đổi trong kỳ thi, tuyển sinh năm nay nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người học và các trường. Nhất là giảm tình trạng thí sinh tập trung quá đông ở các thành phố lớn. Mặt khác, việc thay đổi giúp các trường chọn khối thi phù hợp ngành đào tạo; tự chủ, tự chịu trách nhiệm trên nguyên tắc dân chủ, công khai cho tất cả mọi người như thông tin trên trang điện tử... Ðây chính là tiền đề cho việc thực hiện lộ trình đổi mới thi, tuyển sinh của Bộ GD và ÐT: từ nay đến năm 2015 tiếp tục thi theo giải pháp ba chung; từ năm 2016 đến năm 2020 chỉ tổ chức thi, tuyển một đợt, nhiều môn, trong đó có hai môn thi công cụ bắt buộc (Toán, Văn) và các môn thi tự chọn; đến năm 2020 thực hiện thi tuyển ở các trường ÐH tốp đầu, các trường còn lại thực hiện xét tuyển.
PV: Những năm vừa qua công tác đề thi luôn thu hút sự quan tâm của dư luận. Thực hiện đổi mới thi, tuyển sinh, việc ra đề thi sẽ thực hiện như thế nào thưa đồng chí?
Ð/C Bùi Anh Tuấn: Quá trình ra đề thi hiện nay phải tập hợp đội ngũ của cả nước. Chủ trương của Bộ GD và ÐT là người ra đề, ngoài hiểu biết về kỹ năng, công cụ, kiến thức ra đề, còn phải hiểu được bậc phổ thông dạy và học như thế nào, dạy cái gì. Ðây là điều rất quan trọng vì nhiều cán bộ, giáo viên có thể ra đề nhưng nếu không nắm được phổ thông học gì, trình độ ra sao thì khó phù hợp trình độ, năng lực học sinh đi thi. Thí dụ, bậc phổ thông năm nay có giảm tải mà cho đề thi vào đúng phần giảm tải thì sẽ không đúng.
Ðề thi tuyển sinh ÐH, CÐ phải đạt được các yêu cầu kiểm tra kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với quy định về điều chỉnh nội dung học tập cấp trung học. Chủ trương của Bộ là ra đề thi vừa sức có sự phân loại nhóm điểm cao, còn lại đạt được mức trung bình chứ không phải là ra đề thi quá khó. 
PV: Thưa đồng chí, việc đổi mới thi, tuyển sinh là cần thiết  nhưng một số ý kiến cũng lo ngại rằng, việc Bộ GD và ÐT  không xác định số lần xét tuyển sẽ dẫn đến việc các trường "cát cứ" chỉ lấy những thí sinh dự thi vào trường mình đạt điểm sàn  trở lên không trúng tuyển ở khoa có điểm chuẩn cao vào những khoa có điểm chuẩn thấp?
Ð/C Bùi Anh Tuấn: Có hai hình thức tuyển sinh được áp dụng những năm gần đây là: Xét tuyển trên cơ sở lấy điểm chuẩn theo từng ngành vào trường và xét tuyển lấy điểm chuẩn chung vào trường. Cả hai cách xét tuyển đều phải công bố công khai khi thí sinh làm thủ tục đăng ký dự thi. Bất kỳ trong trường hợp nào, sau khi công bố điểm chuẩn, nếu các trường tuyển sinh tiếp đều phải  công khai để mọi thí sinh đều có thể đăng ký xét tuyển như nhau. Nếu thí sinh thi vào trường đó nhưng không trúng tuyển ngay lần xét đầu cũng phải làm hồ sơ và xét nguyện vọng tiếp theo bình đẳng như các thí sinh không thi vào trường đó nhưng có nguyện vọng xét tuyển. Các trường không được tự ý cho phép thí sinh trượt ở ngành điểm chuẩn cao sang ngành có điểm chuẩn thấp hơn mà không qua xét tuyển công khai.
PV: Ðối với việc xét tuyển thí sinh các huyện nghèo và phải bổ túc kiến thức, liệu Bộ GD và ÐT có "làm khó" các trường không, thưa đồng chí, vì như vậy các trường sẽ phải xây dựng nội dung, chương trình, trường lớp, giáo viên cho việc bổ túc kiến thức thí sinh tuyển thẳng?
Ð/C Bùi Anh Tuấn: Việc xét tuyển là cần thiết để bảo đảm chính sách ưu tiên vùng khó khăn. Tuy nhiên, học sinh các huyện vùng khó khăn học tập thường yếu hơn so với mặt bằng chung nên phải bổ túc kiến thức chứ không phải "làm khó" các trường. Bộ GD và ÐT đã đưa ra các phương án để các trường thực hiện bổ túc kiến thức phù hợp với điều kiện riêng của trường mình. Cụ thể: Các trường ÐH có trường phổ thông hoặc có kinh nghiệm dạy bổ túc kiến thức cho học sinh dân tộc thiểu số thì tự tổ chức tại trường mình. Các trường không có điều kiện như trên có thể gửi học sinh đến các trường dự bị dân tộc hoặc phối hợp trường phổ thông nào đó có uy tín trên địa bàn (như ở Hà Nội có thể phối hợp với các Trường THPT Am-xtéc-đam, Chu Văn An, Kim Liên, Chuyên sư phạm...) để bổ túc kiến thức phổ thông cho học sinh. Như vậy, thời gian học ÐH của những học sinh được xét tuyển sẽ lâu hơn.  
PV: Việc thực hiện tuyển sinh những năm gần đây thường xuyên xảy ra tình trạng có trường tuyển vượt chỉ tiêu, lại có trường không tuyển được hoặc tuyển được quá ít so với chỉ tiêu. Phải chăng Bộ GD và ÐT tính toán chỉ tiêu chưa sát thực tế, nhất là việc một số ngành có chỉ tiêu quá nhiều?
Ð/C Bùi Anh Tuấn: Việc tuyển thiếu, tuyển thừa cũng là câu chuyện đáng bàn. Có những trường tuyển được rất ít sinh viên do nhiều nguyên nhân nhưng điều quan trọng nhất vẫn là uy tín nhà trường, chất lượng đào tạo, thậm chí nhiều trường mà phụ huynh học sinh không biết dạy như thế nào... Chỉ tiêu hằng năm chủ yếu Bộ GD và ÐT tính tới tổng nhu cầu thí sinh và khả năng đào tạo các trường là tương đồng nhau. Tuy nhiên, điều này mang tính chung của cả nước còn cục bộ thì cũng có khi không tương đồng vì còn liên quan đến vùng miền, chất lượng đào tạo của từng trường, từng ngành. Vì vậy, trong tuyển sinh, Bộ GD và ÐT đã có nhiều cảnh báo với các trường cũng như với phụ huynh, học sinh về việc tập trung nhiều vào một số ngành là không nên. Bộ GD và ÐT sẽ thực hiện rà soát để có những địa phương, khu vực khuyến khích mở ngành này nhưng không khuyến khích mở ngành kia; thậm chí tạm dừng không mở ngành khi nguồn nhân lực lĩnh vực đó đã dư thừa. Mặt khác, Bộ GD và ÐT cũng phối hợp các bộ, ngành, địa phương để nắm thêm nhu cầu nguồn nhân lực cần được đào tạo. Việc Chính phủ ban hành Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực nói chung; các bộ, ngành, địa phương cũng xây dựng và công bố công khai nhu cầu nhân lực nói riêng thì các trường cũng như Bộ GD và ÐT sẽ dựa vào đó để xây dựng, phát triển ngành nghề đào tạo. Phụ huynh, học sinh, nhà trường phổ thông cũng phải dựa vào đó để xác định mục tiêu, định hướng nghề nghiệp cho con em mình.

Làm chủ kỹ năng để “vượt vũ môn”

Bước vào ngày thi, thí sinh cần có những kỹ năng quan trọng để có thể sẵn sàng vượt qua thử thách. Bằng những kinh nghiệm trong các đợt tuyển sinh đại học, chúng tôi hướng dẫn các em một số kỹ năng cơ bản sau đây:
1
Kỹ năng cảm giác, tri giác vấn đề: trước một bài tập, một yêu cầu mới, thậm chí toàn bộ nội dung đề bài, hãy nên đọc lướt qua và xem xét nội dung nào có thể giải quyết được theo hướng “dễ trước, khó sau”. Điều này sẽ giúp các em giải quyết được “điểm số”, đồng thời sẽ tạo tâm lý thoải mái hơn để tiếp tục làm những phần còn lại theo mức độ khó dần.

Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

Luyện thi Đại học cấp tốc chưa hẳn là con đường ngắn nhất

Trong những ngày qua, thí sinh cùng phụ huynh từ nhiều tỉnh, thành đã có mặt tại các “lò” luyện thi trên địa bàn TP.HCM để đăng ký luyện thi ĐH cấp tốc ngay sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều vấn đề đã phát sinh từ những “lò” luyện thi cấp tốc này..

Theo ghi nhận của chúng tôi, thời điểm này thí sinh đang chạy nước rút đến phút cuối nhằm dung nạp thật nhiều kiến thức cho kì thi ĐH-CĐ sắp tới. Tuy nhiên, với tâm lí bằng mọi cách phải vào được đại học, thí sinh và gia đình đã tốn kém quá nhiều vào các lò luyện thi cấp tốc trong khi không xem xét lực học thật sự thì cũng khó đảm bảo chắc suất vào đại học cũng như con đường tương lai rộng mở sau này.
Sĩ tử đăng ký luyện thi cấp tốc tại Trung tâm luyện thi.

Tuyển sinh ĐH, CĐ: Được hạ điểm chuẩn xét tuyển

Bộ GD-ĐT lại gây bất ngờ khi khẳng định có thể hạ điểm chuẩn trong xét tuyển.

Để tuyển đủ chỉ tiêu
Quy chế mới năm nay giao cho các trường được tự chủ trong xét tuyển, Bộ không hạn chế số đợt xét tuyển của từng trường cũng như không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải cao hơn đợt trước như trước đây; đồng thời quy chế năm nay cũng không còn đề cập đến quy định các trường không được hạ điểm chuẩn.
Trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga về việc năm nay các trường ĐH, CĐ có được phép hạ điểm chuẩn hay không, ông Ga khẳng định: “Điểm chuẩn các trường cần đảm bảo 2 điều kiện: điểm trúng tuyển không được thấp hơn điểm sàn quy định cho từng khối thi; số lượng thí sinh (TS) trúng tuyển không được vượt chỉ tiêu Bộ đã thông báo. Nếu điểm chuẩn nguyện vọng (NV) 1 vào trường lần xét tuyển trước cao, trường không tuyển đủ chỉ tiêu vào trường (hay vào ngành) thì lần xét tuyển tiếp theo có thể hạ thấp điểm chuẩn nhưng không thấp hơn điểm sàn (hoặc giữ nguyên điểm chuẩn cũ) để tuyển tiếp trên nguyên tắc lấy điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu”. Như vậy, các trường sẽ được phép hạ điểm chuẩn để xét tuyển chứ không bị cấm như những năm trước.