Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

Game show truyền hình: Mở mắt thành sao rồi... vụt tắt

Phần lớn tài năng ở các Game show truyền hình đột nhiên 'tắt ngóm' sau khi vụt sáng thành ngôi sao chỉ sau một đêm.


Truyền hình thực tế đang có sức ảnh hưởng to lớn đến đời sống showbiz. Hàng loạt các cuộc thi như The Voice Vietnam, Vietnam’s Got Talent, Vietnam Idol, Vietnam’s Next Top Model,… nở rộ đem đến một không khí sôi động cho làng nghệ.
Vietnam’s Next Top Model khai cuộc với nhiệm vụ mở mang kiến thức thời trang và nghề người mẫu cho khán giả Việt. Nhưng mở mang cho khán giả đâu chưa thấy, chỉ thấy những kiện cáo tiền tỷ; vụ Hoàng Oanh, Phương Nghi, Thùy Dương làm lộ kết quả tại mùa năm 2011; những tố cáo, vạch mặt của giám khảo; vụ Hà Anh, Đỗ Mạnh Cường lời qua tiếng lại xung quanh việc Hoàng Thùy, Tuyết Lan đi diễn ở New York Fashion Week.
Game show truyền hình: Mở mắt thành sao rồi... vụt tắt
Vietnam’s Next Top Model đang tuyên ngôn to tát khi khẳng định sẽ đào tạo ra thế hệ người mẫu có thể làm việc chuyên nghiệp tại các kinh đô thời trang lớn như New York. 
Không phủ nhận Vietnam’s Next Top Model đã cho ra đời một thế hệ người mẫu mới có triển vọng như Huyền Trang, Tuyết Lan, Hoàng Thùy, Lê Thúy, Trà My, Thùy Dương. Những thí sinh của cuộc thi này đang dần có chỗ đứng trong làng mẫu Việt.
Nhưng để đạt đẳng cấp thế giới và có thể làm việc tại môi trường người mẫu chuyên nghiệp ở những kinh đô thời trang lớn của thế giới như chương trình đưa ra là chuyện chưa thể có trong ngày một ngày hai.
Ngay cả ở những thị trường có thị phần thời trang lớn như Trung Quốc hay Hàn Quốc, Nhật Bản, người mẫu xuất thân từ những nước này cũng rất khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội ở những kinh đô thời trang lớn như Paris, London, Milan, New York. Số người mẫu được trình diễn thường xuyên trong các show diễn theo mùa chỉ đếm trên đầu ngón tay gồm những tên tuổi như: Liu Wen, Shu Pei, Fei Fei Sun,…
Việc “nói văng mạng” về cuộc đại nhảy vọt với làng mẫu Việt này của chương trình Vietnam’s Next Top Model chẳng bị ai đánh thuế. Nhưng chắc chắn, với những cô gái trẻ đến với chương trình này, không ít người trở nên ảo tưởng sau một chuyến ghi hình tại Mỹ. Bởi họ thấy chuyện đi diễn ở nước ngoài xem ra cũng khá dễ dàng.
Game show truyền hình: Mở mắt thành sao rồi... vụt tắt
Nổi tiếng quá nhanh Bùi Anh Tuấn gặp scandal liên tục.  
Tương tự, câu chuyện của The Voice không khác mấy. Thậm chí trong đời sống âm nhạc, sức ảnh hưởng của các chương trình thực tế còn lớn hơn gấp bội. Chỉ sau một cuộc thi hát, hàng loạt các tên tuổi ngôi sao ra đời. Dù trước đó, họ vẫn tồn tại và chuyên đi hát lót ở các chương trình nhỏ, quán bar hay phòng trà.
Bùi Anh Tuấn là một điển hình cho thứ hào quang ảo từ truyền hình thực tế. Không phủ nhận anh này có giọng và có học. Nhưng sự nổi tiếng quá nhanh với những ngôn từ hoa mỹ được tung ra từ chương trình The Voice Vietnam 2012 như: “hoàng từ”, “hotboy”,… cộng với lượng người hâm mộ lớn đã khiến Bùi Anh Tuấn chuếnh choáng trong men say chiến thắng.
Sau cuộc thi, Bùi Anh Tuấn miệt mài chạy show. Nhưng cũng bởi quá đắt show nên anh gặp scandal liên tục. Không có bài hát của riêng mình, Bùi Anh Tuấn đi hát lại các bài độc quyền của ca sĩ khác với phần beat nhạc được copy trên mạng. Hành động này được cho là thiếu tôn trọng khán giả và thiếu tôn trọng đồng nghiệp.
Cũng vì miệt mài chạy show mà hai lần Bùi Anh Tuấn bỏ duyệt chương trình Bài hát yêu thích khiến anh lĩnh án phạt cấm xuất hiện trong chương trình 6 tháng. Trước những bức xúc của dư luận, Bùi Anh Tuấn lại tỏ thái độ rất trẻ con khi hơn dỗi tuyên bố “rút lui” khỏi làng nhạc một thời gian.
Với tần suất vài chương trình mỗi tuần, nối tiếp nhau kéo dài từ năm này qua năm khác. Sau mỗi cuộc thi là hàng loạt các ngôi sao mới nổi, họ ào vào showbiz với tư tưởng của một người “trúng số độc đắc”, nên ít người giữ được mình.
Bơm giá trị ảo, thu tiền thật
Sự nở rộ của truyền hình thực tế tại Việt Nam kéo theo đó là những thách thức mà các nhà sản xuất chương trình phải đối mặt. Thách thức lớn nhất hiện nay chính là việc khan hiếm người chơi khi mà số lượng các chương trình thực tế ngày một tăng cao.
Đơn cử ở các cuộc thi hát, ngoại trừ Vietnam Idol, thiên về cuộc chơi mang tính phong trào thu hút hàng chục vạn người đến thử giọng, mà đại đa số trong đó là những giọng hát nghiệp dư, muốn xuất hiện trên truyền hình một lần cho biết.
Game show truyền hình: Mở mắt thành sao rồi... vụt tắt
Thứ hào quang ảo mà nhà sản xuất The Voice tạo ra cho chương trình lớn đến độ đây từng được xem là một thánh đường tôn vinh những giọng hát đích thực.  
Còn lại các cuộc thi hát mang tính chuyên nghiệp khác như The Voice Vietnam, Sao mai điểm hẹn hay The Winner Is… đều là những gương mặt cũ chiếm lĩnh. Ở The Voice mùa đầu tiên, nếu nhà sản xuất không “gặp vận” khi bắt được giọng ca 17 tuổi Hương Tràm thì có lẽ chương trình đã gặp nguy.
Với hàng loạt các giọng ca cũ như Tiêu Châu Như Quỳnh, Đồng Lan, Thiều Bảo Trang, Ngọc Luân, Bùi Anh Tuấn,…, chương trình buộc phải tìm cách khai thác khác để “bơm thổi” thêm cho thí sinh.
Chiêu "kinh điển" nhất mà người ta phát hiện ra sau khi vụ scandal Phương Uyên dàn xếp kết quả là việc chương trình đã thu âm lại phần thi của những gương mặt nổi bật để ghép vào phần ghi hình đã quay trước đó khiến giọng hát của các thí sinh này trở nên đẹp đẽ hơn thực tế.
Đơn cử như Bùi Anh Tuấn, phần thi ở vòng Giấu mặt của thí sinh này, hát ca khúc Nơi tình yêu bắt đầu, đã làm ngạc nhiên nhiều người bởi chất giọng cao vút rất êm tai. Nhưng thực tế ngay sau đó, ở nhiều event diễn ra trong thời gian cuộc thi đang lên sóng, Bùi Anh Tuấn khiến không ít người thất vọng khi nghe anh hát live ca khúc này.
Ở thời điểm bấy giờ, khi vòng Giấu mặt The Voice 2012 phát sóng, phải công nhận khán giả và cả không ít người làm nghề sững người đặt câu hỏi, vì sao những giọng hát hay như thế lại chưa được biết đến?
Thứ hào quang ảo mà nhà sản xuất The Voice tạo ra cho chương trình lớn đến độ đây từng được xem là một “thánh đường tôn vinh những giọng hát đích thực”. Nâng tầm game show được đến mức ấy cũng là một kỳ tích của The Voice.
Sau tai nạn ở mùa đầu tiên, sang mùa thứ hai chuẩn bị phát sóng vào ngày 19/5 tới đây, The Voice lại có “bơm thổi” giá trị của chương trình bằng cách mời hai diva Hồng Nhung và Mỹ Linh cùng nhạc sĩ Quốc Trung ngồi ghế huấn luyện.
Không có thước đo nào đo được giá trị thật, lợi nhuận thu được từ việc bơm thổi giá trị ảo, nhưng chắc chắn hiệu ứng đó mang lại cho The Voice không ít niềm tin từ phía công chúng và từ đó những hợp đồng quảng cáo cũng ùa về.
Game show truyền hình: Mở mắt thành sao rồi... vụt tắt
Tuyết Lan nhận show tại New York Fashion Week một lần rồi thôi. 
Tương tự, khi nhập khẩu chương trình Next Top Model về Việt Nam, nhà sản xuất Vietnam’s Next Top Model cũng phải tìm cách gia cố và bơm thổi thêm cho chương trình của mình.
Ngành thời trang ở ta hiện nay chưa đủ mạnh để đòi hỏi một thị trường người mẫu chuyên nghiệp. Thế nhưng mục tiêu mà chương trình này đưa ra lại là “phổ biến kiến thức” về thời trang và nghề người mẫu cho khán giả.
Mục tiêu to tát, cộng với nỗ lực bơm thổi với các chiêu trò “đánh tráo khái niệm” khi cho các thí sinh của chương trình đi Mỹ casting đã làm cho cả làng mẫu phải “tròn mắt” về độ chịu chơi của chương trình. Nhưng giới làm nghề, chẳng ai dám tin, người mẫu Việt có thể thành danh được ngoài nước.
Tất cả đều thấy câu chuyện đào tạo được những người mẫu có thể làm việc tại Mỹ của Vietnam’s Next Top Model còn xa vời lắm.
Xin nói rõ là làm việc một cách chuyên nghiệp. Tức là có show thường xuyên và sống được bằng nghề mẫu một cách no đủ. Chứ không phải là nhận show “tắc bụp” một lần rồi thôi.
Bởi đến ngay cả phiên bản gốc của Next Top Model tại Mỹ đã qua 19 mùa vẫn chẳng tìm ra được một người mẫu sáng giá nào cho nên thời trang Mỹ và thế giới.
Nhưng tin hay không là chuyện của thiên hạ. Chỉ biết việc nâng tầm thí sinh Vietnam’s Next Top Model lên đẳng cấp người mẫu thế giới mang lại danh tiếng thật cho chương trình khi Vietnam’s Next Top Model năm sau luôn đạt lượng quảng cáo cao hơn hẳn năm trước. Với nhà sản xuất, thế là đủ.
Mối nguy hại tiềm tàng
Người Việt mới làm quen với khái niệm truyền hình thực tế độ khoảng dăm năm gần đây, so với lịch sử 30 năm của thể loại này ở các nước Âu Mỹ thì quãng thời gian trên chẳng thấm vào đâu. Do đó, có thể nói khán giả chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp nhận các chương trình truyền hình thực tế.
Thêm vào đó, người Việt lại có tính “hiếu học” thích thi thố. Phàm những gì liên quan đến thi cử, chúng ta đều rất trân trọng và cho rằng, đã là thi phải mang tính nghiêm túc và công bằng. Chính sự cả tin đó vào truyền hình thực tế đã làm cho khán giả nhiều khi bị điều khiển như những con rối.
Đáng lo ngại hơn, hiện nay truyền hình thực tế đang làm biến đổi bộ mặt của cả làng showbiz. Trong khi những nghệ sĩ trẻ phải mất hàng chục năm mới thành sao, thì giờ với truyền hình thực tế, họ chỉ mất vài tháng, thậm chí là sau một đêm với một bài hát duy nhất.
Game show truyền hình: Mở mắt thành sao rồi... vụt tắt
Người ta bình chọn cho Ya Suy theo thị hiếu chứ không phải bởi giọng hát của anh có giá trị.  
Sự nổi tiếng đến quá nhanh kèm theo những hệ lụy về ứng xử văn hóa khiến các ngôi sao trẻ xuất phát từ truyền hình thực tế dễ tuột dốc không phanh nếu không có người đỡ đầu định hướng. Cái gốc, cái căn bản và cái văn hóa, họ, những ngôi sao bước ra từ truyền hình thực tế, không được trang bị, thì sự nổi tiếng nhanh chóng kia chỉ làm hại họ.
Chưa kể, truyền hình thực tế đang góp phần “băm nát” thị hiếu thẩm mỹ của công chúng. Hiện nay ở hầu hết các cuộc thi thố tài năng trên truyền hình, người ta chạy theo, cổ súy cho những thứ thuộc về xu thế, thị hiếu chứ không phải là giá trị đích thực.
Đơn cử như việc Ya Suy trở thành quán quân Vietnam Idol 2012 là một ví dụ điển hình. Người ta bình chọn cho Ya Suy theo thị hiếu chứ không phải bởi giọng hát của anh có giá trị. Và khi cuộc thi kết thúc, người ta cũng quên luôn quán quân mà họ đã bình chọn phải xoay sở ra sao với bước đường sau này.
Vẫn biết, truyền hình thực tế kết cục cũng chỉ là một trò chơi truyền hình. Nhưng nếu khán giả và cả những người làm nghề biết nhìn nhận và đánh giá đúng giá trị và chỗ đứng của nó, biết đó là một cuộc chơi không hơn không kém thì có lẽ sẽ đỡ nguy hiểm hơn.
Bởi hiện nay, người ta đang bị cuốn theo những cái hào nhoáng mà truyền hình thực tế tạo ra. Không ít khán giả và cả người làm nghề đang cổ súy và nâng tầm các chương trình này lên. Để rồi sau những cuộc vui, khi khép lại chương trình, người ta lại thấy giá trị của chúng mang lại chẳng được là bao.
-----------------------------------------------  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét