Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Dự thảo thi tốt nghiệp THPT: Bốn môn cũng không giảm tải?

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT lấy ý kiến đóng góp về dự thảo thi tốt nghiệp THPT với 4 môn thay cho 6 môn như hiện nay, một số chuyên gia giáo dục cho rằng đây là động thái tích cực của Bộ để giảm tải khi kỳ thi đang được đánh giá là nặng nề, tốn kém. Tuy nhiên, phương án này liệu có thực sự giảm tải và kéo dài bao lâu, hay sau đó Bộ GD&ĐT lại có những thay đổi trong các kỳ thi kế tiếp?

Dự thảo thi tốt nghiệp THPT: Bốn môn cũng không giảm tải?  1
Cần có kỳ thi ổn định và khoa học để học sinh và phụ huynh không lo lắng.
Giảm tải không nhiều
Theo Bộ GD&ĐT, điểm xét tốt nghiệp THPT năm 2014 được tính theo công thức: (điểm trung bình 4 bài thi + điểm trung bình cả năm lớp 12)/2 + tổng điểm khuyến khích (nếu có). Điểm xếp loại tốt nghiệp THPT được tính theo công thức: (điểm trung bình 4 bài thi  + điểm trung bình cả năm lớp 12)/2. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 sẽ diễn ra trong 3 ngày: 2, 3 và 4/6. Các môn tự chọn thi buổi sáng: Địa lý, Hóa học (ngày 2/6), Lịch sử, Vật lý (ngày 3/6), Ngoại ngữ, Sinh học (ngày 4/6). Các môn bắt buộc thi buổi chiều: Ngữ văn (ngày 2/6), Toán (ngày 3/6). 
Trong thời gian qua, nhất là sau khi Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo các phương án thi tốt nghiệp THPT, dù còn nhận được những đóng góp cần điều chỉnh cho phù hợp, song điều dễ thấy là phương án thi 4 môn đã nhận được sự đồng tình từ phía nhà trường và các bậc phụ huynh. Đầu tiên có thể dễ dàng nhận ra được, đó là thay vì phải “cày” tới tận 6 môn như trước đây, bây giờ học sinh chỉ phải học ôn 4 môn, trong đó 2 môn được lựa chọn theo ý thích. Hầu hết lãnh đạo các sở GD&ĐT trên cả nước đều đồng tình với phương án thi 4 môn (2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn) và đề xuất đưa môn Ngoại ngữ trở thành môn tự chọn. Ủng hộ việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT, nhất là phương án rút lại chỉ còn 4 môn thi, PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, lần đổi mới thi cử này đã khác hẳn các năm trước. Số môn thi giảm đi, học sinh sẽ bớt căng thẳng hơn và có thời gian để tập trung ôn tập. Như vậy, chất lượng học ôn sẽ cao hơn.
Tuy nhiên, cũng theo PGS Văn Như Cương, trong các phương án mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra, nếu tính kĩ, việc giảm tải này không được là bao. Chẳng hạn, ở phương án một, thí sinh thi 4 môn bao gồm 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn. Thực chất phương án này, nhiều học sinh vẫn sẽ thi 5 môn do Ngoại ngữ không bắt buộc thi nhưng lại là môn cộng thêm điểm. Như thế, tâm lý học sinh sợ điểm thấp hoặc không đủ điểm tốt nghiệp nên cũng cố thi vì không mất gì mà vẫn được thêm điểm. Còn đối với phương án hai (thí sinh phải thi 5 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn), PGS Văn Như Cương cho rằng, phương án này không thay đổi nhiều so với trước đây vì chỉ giảm tải được một môn thi.
Băn khoăn cách làm
Nhận xét về những thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý Khoa học giáo dục Hà Nội cho rằng: “Đổi mới đã cho thấy việc thi cử nhẹ nhàng hơn, thiết thực hơn. Trước đây bắt học sinh phải học toàn diện nên rất mệt mỏi, căng thẳng. Nay học sinh thi ít môn hơn, lại được tự chọn môn thi, học sinh thích môn nào thì chọn môn đấy. Bộ GD&ĐT cũng đã sớm công bố phương án thi nên học sinh có thêm thời gian để ôn tập. Tuy nhiên, tôi thấy chưa có gì là cụ thể cả. Cách làm của Bộ vẫn chỉ là xoa dịu tình hình, vẫn “loay hoay” và chưa có một sự thay đổi theo hướng toàn diện”.
“Cần đánh giá thực chất hơn đối với học sinh. Theo tôi, việc công nhận tốt nghiệp THPT nên trao cho các trường. Các trường tự đánh giá và cộng với tính điểm thi tập trung. Nếu làm công bằng, các trường ĐH sẽ lấy đây làm cơ sở để lựa chọn thí sinh. Đánh giá trung thực, khách quan của kỳ thi sẽ bỏ được thi “3 chung” vào đại học. Cũng nên bỏ miễn thi cho 20% số học sinh. Nếu thi mà học sinh được điểm 4-5 thực chất, vẫn hơn điểm 8-9 mà quay cóp, nhìn nhau. Bộ cũng nên chuẩn bị công tác đề thi sớm, đưa ra các dạng bài thi tránh các dạng bài học thuộc lòng như trước đây”, TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết thêm.
Cũng không đồng tình với phương án công nhận cho 20% học sinh miễn thi, PGS Văn Như Cương băn khoăn: “Đã là thi thì tất cả học sinh đều như nhau, nếu nói rằng giảm 20% học sinh là giảm tải thì tôi cho rằng chưa chính xác. Điều này còn gây rắc rối cho các trường, làm  mất thời gian mà dễ nảy sinh tiêu cực như đã từng xảy ra trước đây khi miễn thi vào lớp 10 THPT. Bất cập nữa là, nếu như học sinh tự chọn thi trong các môn tự nhiên, xã hội thì khó có thể sắp xếp hay thi trong một buổi được. Nếu Bộ quy định ngoài 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn là một môn tự nhiên, một môn xã hội thì học sinh sẽ học đều hơn”.
Hơn 3 tháng nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 sẽ diễn ra. Lúc này, cả học sinh, phụ huynh và các trường đang thấp thỏm chờ quyết định chính thức từ phía Bộ GD&ĐT. Được giảm tải là điều cần thiết, song mong muốn chung vẫn là phương án thi mới sẽ được “chốt” trong thời gian sớm nhất.

-----------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét