Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

Bước đầu thực hiện lộ trình đổi mới thi, tuyển sinh đại học, cao đẳng



Thanh niên tình nguyện túc trực tại các bến xe, nhà ga trên địa bàn TP Hà Nội để giúp đỡ, hướng dẫn đưa đón thí sinh và người nhà trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2012. Trong ảnh: Hướng dẫn các thí sinh tại bến xe phía nam.  
 
Kỳ thi, tuyển sinh đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ) năm 2012 có một số điểm mới, nhằm thực hiện lộ trình đổi mới thi, tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.
Phóng viên Báo Nhân Dân đã phỏng vấn đồng chí Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng GD ÐH, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh (Bộ GD và ÐT) về những thay đổi trong kỳ thi, tuyển sinh năm nay.
Phóng viên (PV): Kỳ thi năm 2012 có một số thay đổi, bổ sung so với các kỳ thi trước. Xin đồng chí cho biết, lộ trình đổi mới thi, tuyển sinh ÐH, CÐ được triển khai như thế nào?
Ðồng chí Bùi Anh Tuấn: Kỳ thi ÐH, CÐ năm 2012 vẫn theo hình thức "ba chung" như những năm trước. Tuy nhiên, kỳ thi năm nay, Bộ GD và ÐT cũng chủ trương đưa ra một số điều chỉnh, chủ yếu nằm trong khâu tổ chức thi, nhằm thực hiện lộ trình đổi mới thi, tuyển sinh ÐH, CÐ. Trong đó, thực hiện tuyển thẳng học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT; bổ sung khối thi A1 gồm các môn Toán, Lý, tiếng Anh; bổ sung cụm thi Hải Phòng; thí sinh dự thi tại cụm Vinh được đăng ký học các trường ÐH đóng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; thí sinh dự thi được trường tổ chức thi cấp hai giấy chứng nhận kết quả thi đại học; không xác định số lần xét tuyển. Ðáng chú ý, thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP sẽ được xét tuyển vào ÐH, CÐ...
Việc thực hiện những thay đổi trong kỳ thi, tuyển sinh năm nay nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người học và các trường. Nhất là giảm tình trạng thí sinh tập trung quá đông ở các thành phố lớn. Mặt khác, việc thay đổi giúp các trường chọn khối thi phù hợp ngành đào tạo; tự chủ, tự chịu trách nhiệm trên nguyên tắc dân chủ, công khai cho tất cả mọi người như thông tin trên trang điện tử... Ðây chính là tiền đề cho việc thực hiện lộ trình đổi mới thi, tuyển sinh của Bộ GD và ÐT: từ nay đến năm 2015 tiếp tục thi theo giải pháp ba chung; từ năm 2016 đến năm 2020 chỉ tổ chức thi, tuyển một đợt, nhiều môn, trong đó có hai môn thi công cụ bắt buộc (Toán, Văn) và các môn thi tự chọn; đến năm 2020 thực hiện thi tuyển ở các trường ÐH tốp đầu, các trường còn lại thực hiện xét tuyển.
PV: Những năm vừa qua công tác đề thi luôn thu hút sự quan tâm của dư luận. Thực hiện đổi mới thi, tuyển sinh, việc ra đề thi sẽ thực hiện như thế nào thưa đồng chí?
Ð/C Bùi Anh Tuấn: Quá trình ra đề thi hiện nay phải tập hợp đội ngũ của cả nước. Chủ trương của Bộ GD và ÐT là người ra đề, ngoài hiểu biết về kỹ năng, công cụ, kiến thức ra đề, còn phải hiểu được bậc phổ thông dạy và học như thế nào, dạy cái gì. Ðây là điều rất quan trọng vì nhiều cán bộ, giáo viên có thể ra đề nhưng nếu không nắm được phổ thông học gì, trình độ ra sao thì khó phù hợp trình độ, năng lực học sinh đi thi. Thí dụ, bậc phổ thông năm nay có giảm tải mà cho đề thi vào đúng phần giảm tải thì sẽ không đúng.
Ðề thi tuyển sinh ÐH, CÐ phải đạt được các yêu cầu kiểm tra kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với quy định về điều chỉnh nội dung học tập cấp trung học. Chủ trương của Bộ là ra đề thi vừa sức có sự phân loại nhóm điểm cao, còn lại đạt được mức trung bình chứ không phải là ra đề thi quá khó. 
PV: Thưa đồng chí, việc đổi mới thi, tuyển sinh là cần thiết  nhưng một số ý kiến cũng lo ngại rằng, việc Bộ GD và ÐT  không xác định số lần xét tuyển sẽ dẫn đến việc các trường "cát cứ" chỉ lấy những thí sinh dự thi vào trường mình đạt điểm sàn  trở lên không trúng tuyển ở khoa có điểm chuẩn cao vào những khoa có điểm chuẩn thấp?
Ð/C Bùi Anh Tuấn: Có hai hình thức tuyển sinh được áp dụng những năm gần đây là: Xét tuyển trên cơ sở lấy điểm chuẩn theo từng ngành vào trường và xét tuyển lấy điểm chuẩn chung vào trường. Cả hai cách xét tuyển đều phải công bố công khai khi thí sinh làm thủ tục đăng ký dự thi. Bất kỳ trong trường hợp nào, sau khi công bố điểm chuẩn, nếu các trường tuyển sinh tiếp đều phải  công khai để mọi thí sinh đều có thể đăng ký xét tuyển như nhau. Nếu thí sinh thi vào trường đó nhưng không trúng tuyển ngay lần xét đầu cũng phải làm hồ sơ và xét nguyện vọng tiếp theo bình đẳng như các thí sinh không thi vào trường đó nhưng có nguyện vọng xét tuyển. Các trường không được tự ý cho phép thí sinh trượt ở ngành điểm chuẩn cao sang ngành có điểm chuẩn thấp hơn mà không qua xét tuyển công khai.
PV: Ðối với việc xét tuyển thí sinh các huyện nghèo và phải bổ túc kiến thức, liệu Bộ GD và ÐT có "làm khó" các trường không, thưa đồng chí, vì như vậy các trường sẽ phải xây dựng nội dung, chương trình, trường lớp, giáo viên cho việc bổ túc kiến thức thí sinh tuyển thẳng?
Ð/C Bùi Anh Tuấn: Việc xét tuyển là cần thiết để bảo đảm chính sách ưu tiên vùng khó khăn. Tuy nhiên, học sinh các huyện vùng khó khăn học tập thường yếu hơn so với mặt bằng chung nên phải bổ túc kiến thức chứ không phải "làm khó" các trường. Bộ GD và ÐT đã đưa ra các phương án để các trường thực hiện bổ túc kiến thức phù hợp với điều kiện riêng của trường mình. Cụ thể: Các trường ÐH có trường phổ thông hoặc có kinh nghiệm dạy bổ túc kiến thức cho học sinh dân tộc thiểu số thì tự tổ chức tại trường mình. Các trường không có điều kiện như trên có thể gửi học sinh đến các trường dự bị dân tộc hoặc phối hợp trường phổ thông nào đó có uy tín trên địa bàn (như ở Hà Nội có thể phối hợp với các Trường THPT Am-xtéc-đam, Chu Văn An, Kim Liên, Chuyên sư phạm...) để bổ túc kiến thức phổ thông cho học sinh. Như vậy, thời gian học ÐH của những học sinh được xét tuyển sẽ lâu hơn.  
PV: Việc thực hiện tuyển sinh những năm gần đây thường xuyên xảy ra tình trạng có trường tuyển vượt chỉ tiêu, lại có trường không tuyển được hoặc tuyển được quá ít so với chỉ tiêu. Phải chăng Bộ GD và ÐT tính toán chỉ tiêu chưa sát thực tế, nhất là việc một số ngành có chỉ tiêu quá nhiều?
Ð/C Bùi Anh Tuấn: Việc tuyển thiếu, tuyển thừa cũng là câu chuyện đáng bàn. Có những trường tuyển được rất ít sinh viên do nhiều nguyên nhân nhưng điều quan trọng nhất vẫn là uy tín nhà trường, chất lượng đào tạo, thậm chí nhiều trường mà phụ huynh học sinh không biết dạy như thế nào... Chỉ tiêu hằng năm chủ yếu Bộ GD và ÐT tính tới tổng nhu cầu thí sinh và khả năng đào tạo các trường là tương đồng nhau. Tuy nhiên, điều này mang tính chung của cả nước còn cục bộ thì cũng có khi không tương đồng vì còn liên quan đến vùng miền, chất lượng đào tạo của từng trường, từng ngành. Vì vậy, trong tuyển sinh, Bộ GD và ÐT đã có nhiều cảnh báo với các trường cũng như với phụ huynh, học sinh về việc tập trung nhiều vào một số ngành là không nên. Bộ GD và ÐT sẽ thực hiện rà soát để có những địa phương, khu vực khuyến khích mở ngành này nhưng không khuyến khích mở ngành kia; thậm chí tạm dừng không mở ngành khi nguồn nhân lực lĩnh vực đó đã dư thừa. Mặt khác, Bộ GD và ÐT cũng phối hợp các bộ, ngành, địa phương để nắm thêm nhu cầu nguồn nhân lực cần được đào tạo. Việc Chính phủ ban hành Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực nói chung; các bộ, ngành, địa phương cũng xây dựng và công bố công khai nhu cầu nhân lực nói riêng thì các trường cũng như Bộ GD và ÐT sẽ dựa vào đó để xây dựng, phát triển ngành nghề đào tạo. Phụ huynh, học sinh, nhà trường phổ thông cũng phải dựa vào đó để xác định mục tiêu, định hướng nghề nghiệp cho con em mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét