Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Đồ dùng dạy học công nghệ cao: Tiền tỉ “đắp chiếu”

 Từ năm học 2013-2014, Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai đã đầu tư trên 180 tỉ đồng mua sắm thiết bị dạy học. Trong số này rất nhiều nhóm thiết bị công nghệ cao, giá trị hàng chục tỉ đồng đang trong cảnh “đắp chiếu”.

Ông Dương Văn Tuấn, phó Ban văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Gia Lai, cho biết kết quả khảo sát mới đây của đơn vị này cho thấy nhiều đồ dùng học tập đắt tiền được đưa về các trường nhưng chưa được sử dụng, nhiều trường học đầu tư các trang thiết bị không phù hợp. Khoản tiền đầu tư cho hệ thống này không hề nhỏ. Trong đó đáng chú ý là bộ thiết bị phòng lab học ngoại ngữ, màn hình thông minh...
“Thiết bị quá hiện đại”
Kinh phí từ ngân sách hằng năm
Ông Phạm Ngọc Thạch, giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai, cho biết nguồn kinh phí trên 180 tỉ đồng đầu tư mua sắm trang thiết bị trường học được lấy từ khoản chi hằng năm của tỉnh Gia Lai.
Cụ thể: 20% tổng ngân sách chi hằng năm của tỉnh Gia Lai được phân bổ cho ngành giáo dục của tỉnh, trong khoản này 80% được dùng để chi lương, 20% còn lại dùng để mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học và các khoản khác.
Sau hơn sáu tháng từ khi hệ thống màn hình thông minh kết hợp với phòng lab phục vụ dạy học tiếng Anh được đưa về lắp đặt, toàn bộ hệ thống này vẫn chưa được sử dụng cho một buổi học nào tại Trường THCS Lý Tự Trọng (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông). Ngày 20-8, khi giáo viên trường này mở khóa để chúng tôi vào bên trong phòng lab thì căn phòng tối om, mùi ẩm thấp bốc lên.
Theo một giáo viên của trường, sau khi được bàn giao, một số thầy cô thử làm quen với thiết bị này thì lộ ra nhiều bất cập như thiết bị quá hiện đại, giáo trình bằng tiếng Anh - đòi hỏi người sử dụng phải đạt một trình độ chuẩn tương đối.
Ngoài ra, hệ thống thiết bị này muốn sử dụng được cũng đòi hỏi phải có nhiều hệ thống hỗ trợ như phòng trang bị đạt đủ các điều kiện đi kèm, hệ thống bàn học đi kèm bộ thiết bị này quá cao so với chiều cao của học sinh THCS.
“Thiết bị này được cấp cuối năm và còn quá mới mẻ, trường đang cử giáo viên đi học mới có thể sử dụng được” - vị giáo viên này nói, đồng thời chia sẻ việc Sở GD-ĐT Gia Lai quan tâm, hỗ trợ nhà trường hệ thống phòng lab này là điều rất đáng mừng nhưng hiện tại, hệ thống cơ sở vật chất của nhà trường còn rất nhiều thiếu thốn, cần được ưu tiên trước.
Tại Trường tiểu học Lê Hồng Phong (huyện Chư Prông), hệ thống máy móc cũng đang trong cảnh trùm mền. Những bộ máy chiếu, màn hình thông minh được đặt lạc lõng trong căn phòng cũ kỹ với những bộ bàn ghế xiêu vẹo, nền gạch dính đầy vết bùn đất. Hệ thống màn hình thông minh dù đưa về từ năm 2013 nhưng thời điểm chúng tôi đến, nhiều thiết bị vẫn còn nguyên trong hộp. Một màn hình tivi, hộp đựng màn hình laptop vẫn nguyên đai nguyên kiện, chưa được bóc ra khỏi hộp.
Cô Phạm Thị Kim Oanh - hiệu phó Trường tiểu học Lê Hồng Phong - cho biết do thiết bị rất phức tạp, giáo viên của trường chưa thể sử dụng được mặc dù đã có cán bộ đến hướng dẫn. Khi được hỏi về việc có cần thiết trang bị bộ màn hình thông minh này cho nhà trường trong khi trường vẫn chưa đủ phòng học cho học sinh, cô Oanh nói: “Về lâu dài thì chúng tôi nghĩ thiết bị này là cần thiết, nhưng hiện tại do chưa sử dụng ngày nào nên cũng chưa nói được gì”.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở các trường khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai như Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Kbang), Trường tiểu học Lê Hồng Phong (huyện Ia Pa).
“Vừa làm vừa thí điểm”
Sắm cả đàn piano cho các trường vùng xa
Theo số liệu của HĐND tỉnh Gia Lai, ngoài hệ thống phòng lab, màn hình thông minh rất đắt tiền, việc đầu tư nhiều trang thiết bị dạy học đã gây lãng phí vì học sinh không có nhu cầu. Ví dụ đàn piano được đưa về trường vùng xa nhưng các trường này lại không có phòng âm nhạc, hoặc trang bị nệm phục vụ môn thể dục nhảy xa cho học sinh tiểu học trong khi môn nhảy xa không có trong chương trình của học sinh tiểu học...
Sở GD-ĐT Gia Lai cho biết đến nay sở đã trang bị tổng cộng 76 phòng lab phục vụ dạy học tiếng Anh với tổng kinh phí trên 28 tỉ đồng và 102 màn hình thông minh với tổng giá trị gần 21 tỉ đồng. Hệ thống màn hình thông minh này hoàn toàn mới, giáo viên có thể truy xuất dữ liệu cũng như giảng dạy trực tiếp trên hệ thống mà không cần sử dụng giáo án.
Lý giải về việc đầu tư nhiều hệ thống dạy học đắt tiền vào trường phổ thông, ông Phạm Ngọc Thạch, giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai, nói: “Chúng tôi đang phải đi hai hàng để nâng cao chất lượng dạy và học: hàng ngang lẫn hàng dọc”.
Theo ông Thạch, “hàng ngang” là đầu tư đồng bộ, thiết thực hệ thống dạy học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, còn “hàng dọc” là làm công tác vận động, phụ trợ để học sinh đến trường.
Ông Thạch nói thêm về dài hạn thì các thiết bị dạy học thông minh là rất cần thiết để giúp học sinh tiếp thu bài vở tốt hơn, tạo hứng thú, từ đó nâng cao chất lượng dạy học. Tuy nhiên ông cũng thừa nhận khá nhiều hệ thống đầu tư máy móc, thiết bị có giá trị lớn nhưng đến nay vẫn chưa phát huy hiệu quả, nhiều nơi đang trùm mền.
“Chúng tôi đã rút kinh nghiệm và đợt này đang triển khai đưa giáo viên các trường đi tập huấn để về sử dụng. Trước khi đưa thiết bị vào, chúng tôi cũng đã khảo sát nhu cầu rồi. Nhưng quá trình sử dụng có nảy sinh như thế nào thì khắc phục dần, vừa làm vừa thí điểm, nếu tốt thì tiếp tục, còn không có hiệu quả thì thu hồi và chuyển đổi qua các đơn vị khác. Cũng có một nguyên do khác khiến việc đưa thiết bị vào nhưng chưa được sử dụng là thời điểm cấp về các trường cuối năm học, nhà trường chưa sử dụng ngay được”.
-----------------------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét