Bộ Giáo dục và Đào tạo tự... mâu thuẫn

Ngày 8.4.2014, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Bùi Văn Ga đã ký “Kết luận nội dung tố cáo đối với ông Nguyễn Cảnh Lương – Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội” (số 222/KL-BGDĐT). Theo kết luận này: Nội dung tố cáo “ông Nguyễn Cảnh Lương có dấu hiệu "đạo văn" và không trung thực của một nhà giáo và đã sao chép gần như 100% của rất nhiều nội dung luận án của PGS-TS Đặng Văn Khải” là đúng một phần.

Tuy nhiên cũng theo kết luận 222, tại 23 điểm ông Lương bị tố cáo có dấu hiệu "đạo văn" từ luận án của PGS-TS Đặng Văn Khải đã “không có nội dung trích dẫn trực tiếp theo đúng quy định”. Như vậy có thể thấy nội dung tố cáo ông Nguyễn Cảnh Lương “đạo văn” là có cơ sở.

Để ra kết luận, Bộ GDĐT đã đề nghị Hội đồng Chức danh giáo sư ngành Toán thành lập hội đồng xác minh luận án tiến sĩ của ông Nguyễn Cảnh Lương và hội đồng xác minh đã kết luận như sau: “Trong chương 2 và chương 3, mặc dù nghiên cứu trên một đối tượng khác, nhưng có những chỗ tác giả đã sao chép lập luận trong luận án của ông Khải. Đây là điều đáng phải tránh, hoặc tại những chỗ như vậy phải viết thật rõ sự giống nhau về lập luận trong trình bày luận án”.
Trang cuối của kết luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Chưa “thỏa mãn” với kết luận của hội đồng xác minh, Bộ GDĐT tiếp tục đề nghị Hội đồng Chức danh giáo sư ngành Toán “làm rõ và kết luận cụ thể về nội dung sao chép, dung lượng sao chép (%) cũng như tính chất của các nội dung sao chép trong luận án của ông Nguyễn Cảnh Lương”. Tuy nhiên, trong văn bản trả lời Bộ GDĐT ngày 25.2.2014, Hội đồng Chức danh giáo sư ngành Toán đã không tính được phần trăm dung lượng sao chép của ông Lương, mà chỉ đưa ra ý kiến chung chung: “Nếu một chứng minh nào đó có thể thực hiện bằng cách lặp lại từng chữ chứng minh của người khác, thì tác giả cần nói rõ điều đó...”.

“Thiếu hiểu biết”

Không như vụ “đạo văn” của PGS-TS Vũ Thị Hồng Khanh (đã được báo Lao Động đăng tải trong các số 172, 186, 213 và 294/2013) là bà Khanh đã không đưa đề tài của người bị sao chép vào phần “Tài liệu tham khảo”, ông Nguyễn Cảnh Lương đã “khôn” hơn là đưa luận án của PGS-TS Đặng Văn Khải vào phần “Tài liệu tham khảo”. Tuy nhiên, với 56 tài liệu tham khảo trong luận án thì chỉ có 39 tài liệu được ông Lương trích dẫn, còn lại mập mờ coi như “phát kiến” của mình.

Ngay khi bảo vệ thử luận án vào ngày 27.8.1996, Hội đồng chấm luận án cấp cơ sở đã yêu cầu ông Nguyễn Cảnh Lương phải “phân tích trong luận án và trong tóm tắt luận án, công trình của ông Đặng Văn Khải”.

Người nhận xét luận án của ông Lương khi đó là GS-TS Hà Huy Khoái (Viện Toán học) cũng đã có ý kiến: “Theo chỗ tôi biết, Đặng Văn Khải có một số nghiên cứu rất gần với đề tài luận án. Tuy nhiên, trong luận án không trích dẫn công trình nào của Đặng Văn Khải và cũng không nói rõ mối liên quan của các kết quả của tác giả và của Đặng Văn Khải” (bản nhận xét ngày 29.7.1996).

Còn thầy hướng dẫn của ông Lương mặc dù đánh giá luận án của ông Lương là “đáp ứng yêu cầu của một luận án tiến sĩ toán học”, nhưng cũng đưa ra nhận xét khá châm biếm: “Chương 2 và chương 3 là học lại cách làm của người khác một cách cẩn thận”.

Giải trình trước tố cáo “đạo văn”, ông Nguyễn Cảnh Lương “tự nhận”: “Lúc đó do thiếu hiểu biết về các quy định, chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc phải trích dẫn, chú giải đầy đủ, rõ ràng những phần tham khảo cách làm của PGS-TS Đặng Văn Khải và các tác giả khác nên có khuyết điểm không thực hiện đúng nhắc nhở của các thầy hướng dẫn và của Hội đồng chấm luận án”.

Mặc dù Bộ GDĐT đã kết luận hành vi của ông Nguyễn Cảnh Lương vi phạm QĐ số 647/GDĐT ngày 14.2.1996 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc ban hành Quy chế đào tạo và bồi dưỡng sau đại học, nhưng bộ này đã “đá quả bóng” xử lý, bằng cách: “Giao Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội xem xét, đánh giá mức độ ảnh hưởng của vi phạm nêu trên của ông Nguyễn Cảnh Lương trong bối cảnh ông Lương đang giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng để đề xuất biện pháp xử lý phù hợp”.

Qua vụ việc của ông Nguyễn Cảnh Lương, Bộ GDĐT cũng “nghĩ tới” việc giao Vụ Giáo dục ĐH tham mưu sửa đổi, bổ sung “chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi sao chép luận văn, luận án”.

Và như những gì đã thấy trong việc Bộ GDĐT và ĐH Bách khoa Hà Nội xử lý vụ PGS-TS Vũ Thị Hồng Khanh “đạo văn”, điều sẽ thấy rõ là vụ “đạo văn” của PGS-TS Nguyễn Cảnh Lương rồi cũng sẽ rơi vào “hoàn cảnh” tương tự là: “Chìm xuồng”!?.
-----------------------------------------------------------------------------------