Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

Bị "chém" quá nhiều: Người làm giáo dục đang "co" mình

TS Vũ Thu Hương cho rằng, những đả kích thiếu suy xét kĩ của dư luận đang khiến những người làm giáo dục cảm thấy nản lòng. Thậm chí, cảm giác sợ ngày càng làm họ "co" mình và không dám nêu lên ý kiến cho dù tích cực.
Đổi mới tổng thể hay đổi mới nhỏ lẻ trong giáo dục hợp lý hơn, tốn kém hơn?
Dưới đây là cuộc trao đổi của PV Infonet với TS Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Giáo dục tiểu học- Đại học Sư phạm Hà Nội) về thực trạng đáng báo động này: 
Bà có cho rằng phản ứng của dư luận là quá nhanh trước những chuyển biến của nền giáo dục?
Trong thời gian gần đây, không hiểu vì thiếu lòng tin dành cho những người làm giáo dục hay vì một điều gì khác, mà khi có một quyết định về giáo dục nào được đưa ra thì đầu tiên nhận được là những thái độ chê bai, đả kích của người dân. 
Không cần biết đúng sai, lý do như thế nào, và có khi chưa biết ý kiến của người ta ra sao,…thì một bộ phận đã có những thái độ không mấy tích cực.
Điều này đang mang đến nhiều khó khăn cho những người làm giáo dục. Cũng như tâm lý chung của mọi người, khi mà những nỗ lực không được xã hội ghi nhận, đồng tình thì những người làm giáo dục cũng cảm thấy buồn chán.
Lâu ngày, khiến họ dần co mình, hạn chế đi những sự sáng tạo hay cố gắng. Thậm chí, làm cho họ có cảm giác sợ, nhiều người không dám nói không dám làm, không dám nêu lên ý kiến vì sợ sẽ bị đả kích.
Tôi cũng biết nhiều đồng nghiệp có những ý kiến rất hay tuy nhiên lại không dám nói ra, cũng chỉ vì…sợ. Bởi không ít người không hiểu vấn đề, lại cho rằng việc đưa ra một sự cải cách là nhằm tư lợi, mà chưa cân nhắc đúng sai một cách thấu đáo.
Trong nhiều cuộc họp của ngành, nhiều thầy cô cũng nói nhỏ với nhau “thôi thì đừng nói, nói ra người ta lại chửi”, mặc dù có những ý tưởng tích cực mong muốn có được sự đổi mới.
Cũng muốn nói đến một điều, những người làm giáo dục là một tập thể rất đông chứ không phải là chỉ một hai người làm. Vì vậy, những ý kiến mà họ đưa ra cũng đã được bàn bạc và qua nhiều hội thảo để nhiều người đánh giá, thông qua. Nếu ý kiến chỉ nhằm mục đích tư lợi, thì những người khác cũng đã có ý kiến gạt bỏ ngay từ đầu.  
TS Vũ Thu Hương cho rằng người làm giáo dục cần nhận được cái nhìn trân trọng hơn từ xã hội
Bà có thể chỉ ra một số dẫn chứng về việc một bộ phận chỉ biết chê bai chỉ trích chưa kể vấn đề là đúng hay sai?
Ngay ở bản thân tôi khi nêu lên một vấn đề, có những trường hợp không xem xét, hay gần như không đọc chưa gì đã có những nhận xét không mấy tích cực. Nhiều người chỉ xem qua một tít báo không xem nội dung cũng bình luận được.
Tôi đã gặp tình huống dở khóc dở cười khi có những bạn đọc bình luận ý kiến của tôi là “thằng tiến sĩ này nói…”. Điều này chứng tỏ là họ chưa đọc đã có thể “chém”. Nếu họ đọc thực sự thì không thể nói tôi là “thằng” được, chưa nói đến việc họ bình luận vấn đề đúng hay sai. Chưa kể, trên bài báo ấy có đăng tải cả hình ảnh của tôi.
Điều đáng nói, những người này không hề đọc và cũng không “thèm” xem xét những đóng góp tâm huyết, khiến những người làm giáo dục, trong đó có cả tôi, cảm thấy rất nản lòng. Càng cảm thấy “co” mình, không muốn làm gì, phát biểu gì, và điều này sẽ dần làm nền giáo dục tồi tệ đi khi không ai dám góp ý.
Chưa nói đâu xa, rất nhiều phụ huynh khi có con nhỏ đi học cũng bày tỏ ý kiến với các giáo viên, nhà trường về cách dạy học, cách bố trí lớp học,.... Nhưng nhiều khi phụ huynh cũng chưa hiểu hết được lý do. Nhiều phụ huynh cho rằng, có nhiều bài tập rất dễ và không cần theo chỉ dạy của cô giáo, mình cũng có thể dạy con. Điều này theo tôi là không thể, dù các phụ huynh đã có những kiến thức rất tổng hợp nhưng con trẻ thì phải có lộ trình.
Tôi lấy ví dụ một bài toán: Lớp học luôn có 5 bạn ngồi một bàn. Cả lớp có 6 bàn học. Hỏi lớp có bao nhiêu học sinh?
Với đề này, cần phân biệt cho học sinh đâu là đơn vị tính đâu là số lần được gấp lên. Với số học sinh là đơn vị tính, sẽ viết phép tính là 5x6 (tức là 5 học sinh gấp lên 6 lần). Còn viết 6x5 (sẽ hiểu là số bàn là 6 gấp lên 5 lần), trong khi đề yêu cầu tính số học sinh vì vậy sẽ sai về mặt bản chất.    
Mặc dù, các bố mẹ đã được học phép giao hoán trong phép nhân thì thấy kết quả 5x6 hay 6x5 cũng đều ra một kết quả là 30. Tuy nhiên, khi con trẻ chưa học phép giao hoán, nếu các cô cho các con điểm tối đa không khắt khe thứ tự phép tính, có thể khiến trẻ hiểu sai bản chất vấn đề. 
Trong quá trình dạy học, các cô yêu cầu học sinh phải viết đúng. Khi trẻ viết ngược, các cô sửa lại phép tính và trừ một số điểm ở đấy, thì nhiều phụ huynh lại cho rằng cô trù dập hay gây khó dễ cho con mình.
Vì vậy, phụ huynh cần hiểu là không phải những gì mình biết đều có thể dạy cho trẻ con ngay được, mà cần có từng giai đoạn, cần những người làm về giáo dục là vì thế. Và muốn có những góp ý đúng thì phụ huynh cần hiểu được ý đồ mà những người làm giáo dục đưa ra. 
Rộng ra hơn, mọi người cần hiểu kỹ vấn đề và đừng vội suy nghĩ ngay theo lối tiêu cực, để có những đóng góp mang tính khách quan.
Nhiều ý kiến cho rằng, con trẻ đang trở thành “chuột bạch” trước những thay đổi nhỏ lẻ trong nền giáo dục, bà nghĩ sao về vấn đề này?
Tôi nghĩ điều này là không đúng. Những động thái đang cho thấy có sự sửa chữa mang tính tích cực ở từng điểm nhỏ và tôi thấy rất nên ủng hộ.
Nhiều người cũng hỏi sao cứ thay đổi một cách manh mún, tốn tiền của dân, mà không làm một cuộc đại cải tổ. Theo tôi, thì cuộc đại cải tổ chắc chắn sẽ tốn nhiều tiền hơn những thay đổi nhỏ, điều này có thể nhìn thấy rõ. Và nếu có xảy ra điều gì đó bất cập thì việc xử lý những thay đổi nhỏ sẽ dễ dàng hơn, đỡ tốn kém hơn một cuộc đại cải tổ.
Mỗi đánh giá có thể sẽ tác động đến những sáng kiến đối với ngành giáo dục, vì vậy cần xem xét và cân nhắc kỹ trước khi nói về chuyện đúng sai. Và trên hết, những người làm giáo dục cần nhận được cái nhìn trân trọng hơn từ xã hội.
-----------------------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét