Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

Dậy sóng vì 'Học kém thì không thể đạo đức tốt được'

Bộ trưởng GD&ĐT cho biết như vậy trước ý kiến của đại biểu về chuyện học sinh càng học lên cao thì hạnh kiểm càng yếu.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận nhận định, không nên nói đạo đức học sinh càng lên cao càng thấp. Với bậc học cao hơn thì hạnh kiểm còn phụ thuộc vào kết quả học tập nữa. “Học kém thì không thể đạo đức tốt được”, Bộ trưởng khẳng định.
Ứng xử của cả giáo viên và học sinh cũng là vấn đề nhức nhối ở trường học. Ảnh minh họa
Ứng xử của cả giáo viên và học sinh cũng là vấn đề nhức nhối ở trường học.
Trước phát biểu này của Bộ trưởng, nhiều người đã phản đối mạnh. Theo bạn Bùi Anh Dũng, kết quả học tập (quyết định bởi điểm số) và đạo đức là hai yếu tố không có liên hệ với nhau, nhất là trong môi trường giáo dục ở Việt Nam nơi mà việc quay cóp, gian lận, xin điểm, chương trình học bất cập... rất phổ biến. Bộ trưởng cũng hoàn toàn bỏ qua khả năng có những em học sinh có sức học hạn chế hoặc điều kiện khó khăn - nhưng vẫn có đạo đức tốt. Là một nhà sư phạm mà nói thế này thật đáng trách.
Còn theo bạn Hà Lịch, học kém một phần là do lười, một phần là do nhận thức tiếp thu bị hạn chế! Còn học giỏi là do tiếp thu nhanh hoặc do chăm chỉ. Nhưng học giỏi không phải ai cũng ngoan. Đạo đức là do lối sống, do sự giáo dục của gia đình, của xã hội tác động. Học lực yếu nhưng vẫn sống tình cảm chan hòa yêu thương. Xã hội mà, có người thế nọ có người thế kia. Nên trách nhiệm của những người đi trước phải hướng cho các em về nhận thức để hiểu những việc tốt nên làm.
Cùng quan điểm là bạn Thùy Mi: "Chưa chắc học giỏi, nhân cách đạo đức được tốt, có khi còn tệ hơn người ít học".
Nhiều bạn trẻ đã đặt câu hỏi, rằng, đạo đức thế nào gọi là tốt, thế nào gọi là xấu?. Xin hỏi Bộ trưởng: Những học sinh ở vùng sâu vùng xa không có điều kiện đi học thì có học tốt được không?.
Một bác sĩ cũng có thể trở thành kẻ giết người. Một người bới rác vẫn không lóa mắt trước tiền vàng nhặt được. Chẳng phải hàng ngày báo chí vẫn ra rả nêu tên những kẻ quan cao chức trọng bị kết án vì mất chất...đạo đức đó sao?.
Nhiều người đã phản đối mạnh trước phát biểu của Bộ trưởng
Nhiều người đã phản đối mạnh trước phát biểu của Bộ trưởng
Đạo đức con người nền tảng là gia đình, học đường giáo dục... Kẻ học cao mà không đạo đức thì tội ác còn tinh vi hơn chứ ko kém hơn kẻ ít học.
Ở Nhật người ta đào tạo học làm người trước, học kiến thức sau. Ở Việt Nam cũng có câu: Tiên học lễ, hậu học văn.
Mẹ Masao, một bà mẹ Việt đang sinh sống và làm việc tại Nhật chia sẻ những điều mắt thấy tai nghe trong thời gian ở đất nước này, rằng, ngồi tìm hiểu sách giáo khoa bậc tiểu học ở Nhật, không thấy có chỗ nào dạy trẻ con nói hay viết những điều chung chung như học tập tốt, lao động tốt; "phải" khoanh tay lên bàn mắt nhìn lên bảng,... Ở Nhật, sách giáo khoa hay chương trình dạy, phương pháp dạy đều thế hiện rõ phương châm: dạy trẻ trở thành người sáng tạo và có ước mơ. Người ta không dạy trẻ con học thật nhiều chữ hay làm những bài toán khó, thế nên, học tiểu học ở Nhật không lo bị đội sổ hay bị đúp. Các bài kiểm tra có nhưng không có các kì thi cuối kì và thi vào trường chuyên đầy ác mộng đối với học sinh tiểu học. Ở Nhật, việc làm toán kém và viết chữ xấu không đáng xấu hổ bằng việc không trả lời được câu hỏi: "Lớn lên em muốn làm gì?", "Ước mơ của em là gì?" theo đúng nghĩa đen của nó.
Ở Nhật, việc làm toán kém và viết chữ xấu không đáng xấu hổ bằng việc không trả lời được câu hỏi:
Ở Nhật, việc làm toán kém và viết chữ xấu không đáng xấu hổ bằng việc không trả lời được câu hỏi: "Lớn lên em muốn làm gì?","Ước mơ của em là gì?" theo đúng nghĩa đen của nó.
Những vụ việc học sinh đánh nhau, trò cãi thầy, thậm chí hành hung thầy giáo... liên tiếp xảy ra thời gian gần đây ở nước ta đã phản ánh phần nào sự xuống cấp về đạo đức, lối sống trong học sinh, sinh viên.
Trong khi đó, theo các chuyên gia giáo dục nhận định, nguyên nhân của những vụ việc trên là do giáo dục đạo đức, lối sống trong nhà trường hiện nay kém hiệu quả. Nhà trường chú trọng truyền đạt kiến thức hơn là giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Giáo dục hiện nay đang nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người.
Theo một khảo sát của Văn phòng Chủ tịch nước tại 7 tỉnh, thành phố (Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Ninh Bình) cho thấy, 39% giáo viên coi Giáo dục công dân là môn phụ, 52% cho rằng môn này chưa được quan tâm đúng mức, 47% cho rằng trình độ, chất lượng đội ngũ giáo viên dạy môn học này hiện chưa đảm bảo... Đặc biệt, đa số ý kiến đều cho rằng giáo trình, chương trình, sách giáo khoa môn đạo đức, giáo dục công dân ở cả 3 cấp đều “đơn điệu”, sách giáo khoa chỉ in đen trắng, ít tranh ảnh minh họa (sách lớp 8 không có hình ảnh). Từ năm 2002 đến nay, nội dung chương trình không có gì thay đổi, không cập nhật thực tiễn.
Cá biệt, vì không có giáo viên đúng chuyên môn nên có trường ở Hà Tĩnh còn bố trí cả giáo viên toán, lí, hóa, ngoại ngữ... dạy môn GDCD, coi đây như một nghĩa vụ “quay vòng” đối với tất cả giáo viên trong trường.
Bên cạnh những vấn đề cần đổi mới trong dạy chữ, dạy người, nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định, gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc định hình hành vi, đạo đức của con trẻ. Các chuyên gia giáo dục còn nhấn mạnh: “Trẻ em hư hỏng, trách nhiệm trước hết thuộc về gia đình, nhất là các bậc cha mẹ. Bởi vì, mọi hành vi, cử chỉ, thái độ tình cảm của những người thân xung quanh, nhất là cha mẹ đều tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến sự hình thành nhân cách của trẻ từ lúc mới sinh ra cho tới khi trưởng thành”.
Rõ ràng, học lực và hạnh kiểm là hai mặt có thể tách bạch.
-----------------------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét