Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Học Sử không khó nếu có phương pháp đúng

Lịch sử không đơn thuần là môn học thuộc, nếu chịu khó đọc, tìm hiểu, đây thực sự là một môn học rất thú vị - đó là nhận định chung của nhiều học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử năm 2013.
Em Trần Thanh Quang – Lớp 12 Sử Trường chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), giải Nhất HSG quốc gia Lịch sử 2013: Nếu quan niệm Lịch sử chỉ đơn thuần là môn học thuộc thì khó có thể tìm thấy niềm đam mê đối với môn học này.
Học Lịch sử quan trọng là phải tự học, tự nghiên cứu tìm tòi và có phương pháp học tập riêng thích hợp cho bản thân. Ngoài việc đọc sách giáo khoa, em luôn bồi đắp thêm kiến thức lịch sử qua các tài liệu khác về lịch sử, qua Internet, xem các bộ phim tài liệu về các thời kỳ lịch sử, các cuộc kháng chiến, thậm chí là thường xuyên nghe những ca khúc cách mạng...
Các mốc thời gian cũng sẽ trở nên gần gũi, dễ nhớ nếu chúng ta biết cách tìm ra mối liên hệ với những sự kiện gần gũi với bản thân hay gia đình.
Tuy nhiên, với Lịch sử, chỉ nhớ kiến thức chưa đủ để có bài Sử đạt điểm cao. Để viết bài Lịch sử hay, giọng văn rất quan trọng, lời văn không thể thiếu trong một bài lịch sử hay; đặc biệt là cách dẫn dắt vấn đề sao cho hấp dẫn người đọc, người chấm.
Nguyễn Thị Hoa - Học sinh lớp 12 Sử Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương), giải Nhì HSG quốc gia Lịch sử 2013: Em thường thức dậy sớm, dành từ 4 - 6 giờ sáng để học Sử.
Lịch sử rất dài nên cần có cách học kiến thức cơ bản. Khi học, em thường dùng bút nhớ để đánh dấu những kiến thức, từ khóa quan trọng. Đó là những ý chính cần ghi nhớ, từ đó phát triển lên khi làm bài chứ không học thuộc một cách máy móc tất cả các từ, câu trong sách giáo khoa.
Tâm lý rất quan trọng khi bước vào làm bài thi, môn học nào cũng vậy không riêng gì Lịch sử. Hãy dành thời gian đầu khoảng 15 phút để đọc câu hỏi, hình thành dàn ý, gạch ra những ý chính cần trả lời cho mỗi câu hỏi.
Thứ tự làm bài nên chọn câu dễ làm trước, khó làm sau. Một điểm cần lưu ý là không nên gạch đầu dòng trong bài làm Sử; hãy viết theo kết cấu có mở bài, thân bài, kết luận. Tuy nhiên, trình bày cần đủ ý, mạch lạc, rõ ràng vì điểm sẽ được chấm theo ý.
Đặng Đức Kiên – Học sinh lớp 11D1 Trường THPT chuyên Chu Văn An (Lạng Sơn), giải Nhì HSG Lịch sử quốc gia 2013: Muốn học thật tốt Lịch sử, trước tiên phải có niềm đam mê; sau đó là kỹ năng học, không phải học thuộc từng câu, từng chữ trong sách.
Để nhớ các sự kiện lịch sử, đầu tiên phải nắm được các mốc lịch sử, sau đó tóm tắt sự kiện. Tốt nhất là vận dụng được sơ đồ tư duy để nhớ được nhiều và nhớ lâu hơn. Một ngày em thường dành 1 - 2 tiếng để học Lịch sử, trong đó, nửa tiếng học các dữ kiện, thời gian còn lại là luyện viết bài.
Kỹ năng viết là yếu tố quan trọng cho một bài làm Lịch sử, để thành thục kỹ năng này, cần phải rèn nhiều và thường xuyên.
Lý Thị Hoàn – Học sinh lớp 12C Trường THPT DTNT tỉnh Yên Bái, giải Nhì HSG quốc gia Lịch sử 2013: Em thường học Sử theo sơ đồ tư duy, học có trọng tâm và học thường xuyên. Ngoài kiến thức trong sách giáo khoa, em thường xuyên lên mạng tìm đọc các phương pháp học tập của những anh chị đi trước từng đỗ cao hay định hướng của các thầy cô giáo giàu kinh nghiệm.
Lịch sử thường có nhiều con số, sự kiện, nếu biết cách liên hệ chúng với những sự kiện gần gũi với bản thân sẽ giúp ta nhớ lâu, nhớ sâu. Tuy nhiên, học Lịch sử  không chỉ là nhớ những con số mà quan trọng là tư duy, vận dụng và thông hiểu. Nói chung, nếu có phương pháp học đúng, môn Lịch sử sẽ không khó, không đáng sợ.
Đối với làm bài thi, sau khi đọc kỹ đề nên dành thời gian khoảng 10-15 phút phân tích đề, vạch ra ý chính để khi triển khai làm bài sẽ không bị thiếu ý – một lỗi nhiều bạn hay mắc phải. Một điều cần chú ý là làm bài Sử cũng nên lưu ý cách đặt vấn đề, giải quyết vấn đề và kết, giống như một bài văn.
-----------------------------------------------  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét