Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Các thí sinh nộp hồ sơ tuyển sinh phút cuối còn hoang mang

10 ngày sau hạn cuối nộp hồ sơ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, ở thời điểm này, hàng trăm thí sinh vẫn phải “sấp, ngửa” làm hồ sơ thay đổi trường, đổi ngành do quy định đình chỉ tuyển sinh quá muộn của Bộ GD- ĐT vừa đưa ra.
Các thí sinh nộp hồ sơ tuyển sinh phút cuối còn hoang mang

“Cần” nhưng chưa “đủ”

Theo các quyết định từ số 1596 đến 1601/QĐ-BGDĐT ngày 27.4, Bộ GD-ĐT đã dừng tuyển sinh năm 2012 đối với trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Hà Nội và 5 ngành của 5 trường ĐH, CĐ khác với các lý thiếu giảng viên có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ, tỷ lệ sinh viên/giảng viên quá cao, ba năm liền không tuyển sinh được và chưa có đất xây trường.
Trường bị đình chỉ tuyển sinh, nhiều thí sinh hoang mang (ảnh minh họa).
Sau quyết định đình chỉ, Bộ GD-ĐT cũng đưa ra hướng dẫn về việc tạo điều kiện cho thí sinh đã nộp hồ sơ vào các ngành bị đình chỉ được đăng ký lại hoặc rút hồ sơ nộp sang trường khác đến hết ngày 15.5
Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục đều cho rằng: việc Bộ GD-ĐT dừng tuyển sinh các ngành của các trường không bảo đảm các điều kiện để tuyển sinh, đào tạo là cần thiết nhưng quyết định đưa ra quá muộn, đặc biệt sau khi thí sinh đã hoàn thành việc nộp hồ sơ đăng ký dự thi đã khiến các em bị động, hoang mang ảnh hưởng đến việc ôn thi.
TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hiệp hội tâm lý giáo dục Hà Nội phân tích: Thay đổi hồ sơ tuyển sinh ở thời điểm này là rất khó khăn cho thí sinh vì nếu thì sinh đăng ký vào ngành khác của trường đã bị đình chỉ thì không đúng với nguyện vọng ban đầu của thí sinh. Trong khi, nguyện vọng đăng ký dự thi của thí sinh còn liên quan đến nhiều yếu tố như: gia đình, dự kiến việc làm khi ra trường…
Nếu thí sinh giữ nguyên ngành đã đăng ký và dự tuyển vào trường khác có thể xảy ra tình trạng: điểm chuẩn của trường đăng ký sau cao hơn điểm chuẩn trường đăng ký ban đầu và học phí của các trường khác nhau… cho nên khó có thể phù hợp học lực học tập cũng như khả năng kinh tế thí sinh và gia đình.
Mặc dù đa số các trường bị đình chỉ tuyển sinh đều dùng hình thức xét tuyển nhưng hàng nghìn chỉ tiêu tuyển sinh bị đình chỉ cũng là hàng nghìn cơ hội trúng tuyển của thí sinh bị đánh mất.
Em Lê Quang Hưng học sinh trường THPT Trần Quốc Tuấn (TP. Quảng Ngãi) vừa nộp một hồ sơ vào ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng của trường CĐ Kỹ thuật – Công nghiệp Quảng Ngãi cho biết: “Do sức học vừa phải nên em rất hi vọng sẽ đỗ ngành học này, bây giờ biết ngành bị đình chỉ tuyển sinh em rất hoang mang. Mặc dù vẫn nộp một hồ sơ ĐH nhưng cũng chỉ là thử sức thôi. Giờ làm lại hồ sơ em cũng chẳng biết đăng ký vào ngành nào, trường nào nữa?”.

“Phấp phỏng” trường tư

Bị đình chỉ tuyển sinh, tuy đã có cảnh báo trước nhưng các trường ĐH, CĐ cũng bị rơi vào thế bị động khi các phương án tuyển sinh đã được dự trù.
Ông Phạm Bá Phong – Hiệu trưởng ĐH Yersin Đà Lạt cho biết: “Trường sẽ đề nghị Bộ xem xét lại để trường tiếp tục tuyển sinh ngành này”. Vì theo ông Phong giải thích, khu vực Tây Nguyên có nhu cầu nhân lực về ngành kiến trúc cao mà chỉ có ngành trường Yersin Đà Lạt mới đào tạo ngành này nên việc đình chỉ đã gây khó khăn lớn cho trường.
Ông Nguyễn Đình Ngộ – Chủ tịch hội đồng sáng lập trường ĐH Phú Xuân cho biết, ngành tài chính ngân hàng là một trong những ngành hút thí sinh nhiều ở các mùa tuyển sinh trước vì vậy đình chỉ ngành này sẽ ảnh hưởng lớn đến việc tuyển sinh của trường vì trường đã có kế hoạch chỉ tiêu.
Như vậy, trong mùa tuyển sinh 2012, đã có tổng số 5 trường ĐH, CĐ và 13 ngành đào tạo của 5 trường khác lần lượt bị đình chỉ tuyển sinh, điều đáng nói, các trường hợp này hầu hết rơi vào khối các trường ngoài công lập. Con số này được cảnh báo là sẽ không dừng lại ở các năm tới nếu các trường tư không có động thái thay đổi.
Nói về việc nhiều trường tư đang rơi vào cảnh “sống mòn” vì lỗi lo không tuyển đủ mỗi mùa tuyển sinh, GS.TS Trần Hồng Quân – Chủ tịch hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập lại không cho rằng chất lượng đào tạo là mấu chốt căn bản mà vấn đề lại ở học phí (???): “Có nhiều lý do nhưng lý do cơ bản nhất đó là sự thiếu công bằng trong hỗ trợ học phí. Trong khi học trường công sinh viên được hỗ trợ 70% học phí, còn học trường tư sinh viên phải nộp 100% .
Riêng cái đó, đương nhiên học sinh sẽ lựa chọn trường công lập chẳng tội gì thi vào dân lập. Điều này đã tạo ra thói quen, không phải sự lựa chọn bình đẳng về chất lượng nữa” – Ông Quân nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét