Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Ôn thi tốt nghiệp THPT: Môn Địa lý: Phát huy “cẩm nang” Atlat

Theo nhiều giáo viên, để kiếm điểm cao môn Địa lý không quá khó, chỉ cần học sinh biết bao quát toàn bộ chương trình, sau đó hệ thống lại nội dung kiến thức từng chuyên đề hoặc từng phần, chương, bài theo một dàn ý rõ ràng, chặt chẽ.
Ôn thi tốt nghiệp THPT: Môn Địa lý: Phát huy “cẩm nang” Atlat

Khi tiến hành ôn tập phải bám sát vào cấu trúc đề thi. Không cần phải học chuyên sâu mà chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản để kết hợp với dữ liệu của cuốn tài liệu Atlat Địa lý Việt Nam, được sử dụng trong phòng thi là hoàn toàn có thể đạt điểm cao.
Ôn tập theo cấu trúc đề thi cũng là lời khuyên của cô Ngô Thanh Hương, giáo viên môn Địa lý (THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam) dành cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm nay. Cô Hương cho biết: “Cấu trúc của đề thi môn Địa lý bao gồm phần chung và phần riêng. Đề thi có hai phần lý thuyết và bài tập thực hành. Dựa theo cấu trúc đề thi, các câu hỏi lý thuyết có thể chia thành các dạng như: Trình bày, nêu, phân tích, giải thích, chứng minh về vấn đề nào đó. Phần bài tập thực hành chủ yếu là vẽ biểu đồ, nhận xét, giải thích, so sánh. Do đó, học sinh cần nắm được cấu trúc đề thi để có hướng ôn tập hiệu quả. Làm quen với các dạng câu hỏi cũng giúp các em định hình được nội dung trả lời theo đúng yêu cầu của đề thi”.
Theo cô Hương, học sinh cần biết tận dụng và khai thác hiệu quả “cẩm nang” Atlat Địa lý. Đây là nguồn cung cấp kiến thức, thông tin tổng hợp và có hệ thống giúp học sinh học tập, rèn luyện các kĩ năng và trả lời phần lớn các câu hỏi kiểm tra về địa lí, kết hợp với việc tái hiện kiến thức bằng hệ thống các bài tập, giúp nâng cao hiệu quả của việc ôn tập và nắm vững kiến thức. Cuốn Atlat sẽ giúp các em giảm tải khối lượng lớn kiến thức phải học thuộc lòng như trước đây. Theo cấu trúc đề như đã đưa ra, sử dụng Atlat đúng cách là các em hoàn toàn có thể trả lời hầu hết các câu hỏi đề ra.
Cô Hương lưu ý, trong quá trình làm bài thi tốt nghiệp, các em nên đọc kỹ đề thi, xác định đúng trọng tâm câu hỏi, có thể chọn những câu hỏi dễ để làm trước. Nên phân chia thời gian cho các câu theo hệ số điểm, không nên mất quá nhiều thời gian vào các câu bài tập, vẽ biểu đồ. Trình bày phải sạch sẽ, đủ ý. Cách diễn giải chính xác, cụ thể, không lan man lạc trọng tâm. Lựa chọn biểu đồ chính xác, có tên biểu đồ, nhập số liệu, chú thích. Khai thác dữ liệu trong Atlat phải biết nắm các ký hiệu, chọn lọc nội dung để đưa vào bài thi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét