Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

'Ném phao cho học sinh là hành động không thể tha thứ'

"Tất cả chúng ta, dù thành công hay thất bại, dù giàu có hay nghèo nàn, thử hỏi ai chưa từng gọi tiếng "cô ơi!", "thưa thầy", thế nhưng, giáo viên trong vụ tiêu cực đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, đạo đức nghề giáo".

Mặc dù kết luận vụ tiêu cực thi cử ở Bắc Giang đã có, nhưng đằng sau đó là nỗi niềm của nhiều người, từ các em học sinh, bậc phụ huynh, thầy cô giáo cho tới những bậc trí thức quan tâm tới ngành giáo dục. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ việc không hủy bài thi thí sinh quay clip, có nhiều người cho rằng, việc sa thải một loạt giáo viên tại hội đồng thi trường THPT Đồi Ngô là một hình phạt quá nặng. Lý do họ đưa ra là bởi các giáo viên ném phao, để thí sinh quay bài là vì thương các em, vì cấp trên yêu cầu, họ chẳng được lợi lộc gì.
Giám thị để mặc giáo viên sử dụng tài liệu ở hội đồng thi trường THPT Dân lập Đồi Ngô.
Tuy nhiên, cũng không ít người khẳng định rằng đó là một hành động không thể tha thứ. Và trong việc này, không chỉ các giám thị, mà cao hơn, là những người ở cấp quản lý của các giáo viên đó, cần phải chịu trách nhiệm lớn.
Xin đăng tải ý kiến của độc giả Nguyễn Võ Chí Hải ở địa chỉ email Nvch....@yahoo.com.v, người có chung ý kiến trên. Anh đã có góc nhìn rất thẳng thắn trong vấn đề đạo đức người giáo viên đối với vấn nạn tiêu cực trong giáo dục:
"Theo nhận xét chủ quan của tôi thì việc giáo viên dung túng cho học sinh ném phao, trao đổi tài liệu như ở trường THPT Dân lập Đồi Ngô là một hành động không thể tha thứ, việc làm đó chẳng khác nào cách làm của những kẻ "vô học thức.
Nghề giáo, nghề mà tất cả chúng ta đều yêu quý và kính trọng nó, bởi lẽ nó như là một bộ rễ vững chắc để hỗ trợ cho thân và lá phát triển, giúp cho cây xanh tươi, và một khi rễ bị thoái hoá dần thì liệu những chiếc lá vốn dĩ có màu xanh kia trên thân, trên cành sẽ như thế nào.
Tất cả chúng ta, dù thành công hay thất bại, dù giàu có hay nghèo nàn, thử hỏi ai chưa từng gọi một tiếng "cô ơi!", ai chưa từng thốt lên một tiếng "thưa thầy!", và thử hỏi ai chưa từng được trưởng thành dần lên trong tình yêu thương, che chở của thầy cô trong những năm tháng tuổi học trò.
Người giáo viên, người mà giúp ta khai phá nguồn tri thức, kiến thức vô hạn và những điều thú vị trong cuộc sống, là vai trò chủ chốt hình thành nên nhân cách và đạo đức của học sinh. Có câu "thầy tốt ắt trò giỏi", họ là khuôn mẫu cho cả một tập thể nói riêng và nhân cách của một xã hội nói chung.
Thế nhưng, những giáo viên trong vụ việc tiêu cực trường THPT Dân lập Đồi Ngô đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, đạo đức nghề giáo và cả lương tâm của mình. Họ là những nhân vật có thể gọi là "cao cấp" nhất ở trường hay ít ra họ có thể được xem là "cha mẹ thứ hai của học sinh" lại vì lợi ít của bản thân mình mà "ngó lơ" những việc tiêu cực như thế, những việc làm ấy vừa hại cho bản thân học sinh - vốn còn ít suy nghĩ, hiểu biết và chính bản thân của mình.
Tất cả những việc làm trên như giáng một đòn chí mạng vào ngành giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo vốn còn nhiều thiếu sót ở nước ta. Những vụ việc đã được "công khai" như vụ tiêu cực ở Bắc Giang cần được xem xét và đưa ra những hình thức kỷ luật xác đáng với mức độ mà nó đã gây ra cho dư luận và ngành giáo dục.
Vẫn biết, trong cuộc sống ai ai cũng sẽ mắc phải những sai lầm, mắc phải những giây phút yếu lòng thế nhưng chắc gì đây là lần "đầu tiên" và hơn nữa nó vi phạm nghiêm trọng đến sự công bằng trong học đường (như tạo một đòn bẩy cho những học sinh lười biếng cũng cố tư tưởng "học cũng như không học, điểm vẫn bằng nhau" hay tạo sự khách quan, ỷ lại vào việc quay cóp bài người khác ... ).
Các giáo viên bị sa thải vừa khóc vừa oán trách người tổ chức quay clip.
Thế là chưa kể những việc bị che mất. Trên thực tế, những vụ việc thiếu công bằng giữa giáo viên và học sinh là một điều khó tránh được, nhưng họ biết điểm dừng và hơn hết họ không bao giờ đánh mất lương tâm của mình, lương tâm nghề giáo (bản thân tôi cũng là một học sinh, nên tôi hiểu rất rõ).
Qua sự việc này, tất cả mọi người hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa ra những quyết định của mình, những ai đã từng và đang lầm lỗi hãy biết dừng lại trước khi quá muộn, hãy biết trân trọng thời gian, trân trọng những gì mình đã có, đừng nên quá tham lam đối với những thứ mà mình đã có, những gì mà thực tế mình không thể với đến được, nhất là những việc làm mà " xã hội " và " đạo đức" bảo " không và một lời khuyên chân thành đến ngành giáo dục, nghề giáo là: Dừng bao giờ để mất cái lương tâm nghề giáo của mình".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét