Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

Tăng chỉ tiêu ngành y tế, ai kiểm định chất lượng?

Mặc dù, chỉ tiêu tuyển sinh ngành y tế hàng năm tăng mạnh, nhưng nhân lực y tế vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Một vấn đề đáng lo ngại hơn là tình trạng đào tạo tràn lan ở nhiều trường ĐH, CĐ Y, Dược trên cả nước, nhưng Bộ Y tế chưa kiểm định được chất lượng. Đây là những vấn đề được nhắc đến tại Hội nghị trực tuyến về công công tác tuyển sinh ngành y tế năm 2012 diễn ra sáng 7/6.
Tăng chỉ tiêu ngành y tế, ai kiểm định chất lượng?
Chỉ tiêu tuyển sinh ngành Y tăng vọt vẫn thiếu thầy thuốc
Đề cập đến chỉ tiêu tuyển sinh, ông Trần Đức Thuận, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, trong những năm gần đây, số sinh viên học ĐH Y, Dược tăng hàng năm. Cụ thể, năm 2011 tăng gấp 4 lần năm 2003, gấp 2 lần năm 2007. “Trong năm 2012, chỉ tiêu đào tạo ĐH Y, Dược sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt chỉ tiêu đào tạo chuyên khoa cấp I, II tăng, nhưng tăng hợp lý”.
Hầu hết các trường ĐH Y, Dược trên cả nước đều báo cáo, chỉ tiêu tuyển sinh năm nay cao hơn năm trước, bên cạnh đó, tỷ lệ chọi cũng khá cao. Cụ thể, trường ĐH Y Dược Thái Nguyên là 630 chỉ tiêu, nhưng có đến 12.653 hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT), tỷ lệ chọi là 1/20. Tương tự, trường ĐH Y Hà Nội tuyển 1.000 chỉ tiêu trong tổng số 14.500 hồ sơ, tỷ lệ chọi là 1/14,5. Trường ĐH Y Dược TP. HCM, năm nay chỉ tiêu tuyển sinh lên đến 1.660, tỷ lệ chọi là 1/14,5. ĐH Y Dược Huế, Hải Phòng, Thái Bình, tỷ lệ chọi đều trên dưới 1/14…
Cũng theo ông Thuận, ngoài chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy tăng, các hệ khác như đào tạo liên thông hay đào tạo sau đại học cũng tăng theo. Đặc biệt, năm nay nhiều trường mở thêm chuyên khoa mới như y tế công cộng, y tế dự phòng, tâm thần, có cả trường dân lập cũng tham gia đào tạo BSĐK, dược sĩ, bác sĩ y tế dự phòng…
Báo cáo của Bộ Y tế cũng cho thấy, mỗi năm nước ta đào tạo 6.700 bác sĩ, 2.800 dược sĩ, 5.000 cử nhân điều dưỡng, kỹ thuật y học, y tế công cộng và 5.100 cán bộ y tế ở trình độ sau đại học. Tuy nhiên theo tính toán, tới năm 2020, dù lượng sinh viên ra trường có gấp 2 lần hiện nay vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu về nhân lực y tế theo dự kiến.
Thiếu nhân lực y tế không chỉ diễn ra ở các BV T.Ư, địa phương, vùng sâu, vùng xa, mà ngay các trường ĐH, CĐ về Y, Dược cũng gặp khó khăn trong vấn đề tuyển giáo viên. Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Thái Nguyên thẳng thắn: “Do sức hút giáo viên không bằng làm bác sĩ tại BV nên những người tốt nghiệp giỏi không muốn ở lại trường giảng dạy mà đều thích làm bác sĩ, đặc biệt là các chuyên ngành “hot” như ngoại, sản”.
Báo động chất lượng
Đề cập đến chất lượng đào tạo, nhiều người tỏ ra bức xúc trước hiện tượng một số trường ĐH, CĐ chạy theo lợi nhuận, chạy theo tâm lý thí sinh để tuyển sinh những lĩnh vực “hót”, trong khi đó những ngành nghề thiếu bác sĩ lại không đào tạo. Hơn nữa, Bộ Y tế cũng chưa kiểm định được chất lượng giáo dục ĐH. “Vậy nên chúng ta đang thiếu nguồn lực y tế có chất lượng. Bộ cần phải cơ cấu lại các trường ĐH, CĐ, cơ cấu lại các loại hình y tế” – ông Vũ Đình Chính, Hiệu trưởng trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương nêu ý kiến. Trước ý kiến cho rằng, có hiện tượng có chuyên ngành chỉ có vài giáo viên nhưng lại đào tạo hàng nghìn sinh viên, việc đạo tào sinh viên y khoa hiện nay khá tràn lan, đào tạo ẩu, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết, tới đây sẽ kiểm tra lại năng lực của các trường để siết chặt công tác đào tạo.
Chất lượng bác sĩ nội trú cũng là vấn đề được các chuyên gia đào tạo xới lên. GS Phạm Minh Đức, Hiệu trưởng Đại học Tăng Long so sánh: “Nếu như trước đây, một bác sĩ nội trú có thể làm được mọi việc, kể cả làm thay hộ lý vì họ 24/24 giờ ở tại bệnh viện. Còn nay gọi là bác sĩ ngoại trú thì đúng hơn vì hầu hết các bệnh viện không bố trí cho họ chỗ ở. Như thế, rất ảnh hưởng đến chất lượng cũng như tiêu chí đào tạo của bác sĩ nội trú”.
Bên cạnh đó, vấn đề đào tạo cán bộ y tế hệ cử tuyển cũng đáng báo động. Lãnh đạo một trường Y đề xuất, Bộ Y tế nên cho phép loại bớt những học sinh quá yếu kém bằng cách quy định điểm sàn đầu vào. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến không đồng ý đề xuất này, mà đề nghị các trường xem xét lại năng lực của các em để phù hợp từng ngành, nghề tuyển sinh, nếu học sinh nào học kém thì nên tư vấn cho các em theo học ngành ít nguy hiểm.
Trong tháng này, Bộ Y tế sẽ tổ chức hội nghị giữa các hiệu trưởng trường ĐH Y, Dược và mời thêm các BV, Viện nghiên cứu để làm sáng tỏ vấn đề chất lượng giáo dục đại học.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét