Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Bình Dương: Cán bộ quỹ đầu tư đến trường học ra oai, đòi nợ

Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương tự hào có Trường THCS và THPT Phan Chu Trinh là ngôi trường duy nhất tại Việt Nam đoạt giải Kiến trúc châu Á và giải WAN của Hoa Kỳ năm 2012. Thật khó tin ngôi trường đẹp và khang trang đúng tiêu chí ngành giáo dục vừa mới đi vào hoạt động đã có nguy cơ phải đóng cửa vì chuyện “đòi nợ” độc nhất này.
NHÀ ĐẦU TƯ MẮC NẠN
Thực hiện chủ trương khuyến khích xã hội hóa giáo dục, Công ty CP Khai Minh (gồm những cổ đông công tác lâu năm, tâm huyết với ngành giáo dục) đã lập đề án xây dựng Trường THCS và THPT Phan Chu Trinh tại P.Dĩ An, TX. Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Ngày 13-3-2009, Phó chủ tịch (hiện là Chủ tịch) UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung ký giấy chứng nhận đầu tư cho công ty này thực hiện dự án với tổng vốn đầu tư 126,29 tỷ đồng, trong đó vốn góp 26,38 tỷ. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm.
Dự án được phê duyệt, Quỹ Đầu tư phát triển (ĐTPT) tỉnh Bình Dương có thông báo kết luận của Hội đồng thẩm định ngày 2-4-2009 cho vay 60 tỷ đồng huy động từ Ngân hàng Thế giới (WB) trong 15 năm, lãi suất 7%/năm, thời gian ân hạn 5 năm. Đến ngày 9-9-2009, Giám đốc Quỹ ĐTPT Lê Văn Thành ký văn bản gửi Công ty Khai Minh “điều chỉnh mức vốn cho vay” xuống 58 tỷ đồng trong 15 năm, lãi 7%/năm. Hơn ba tháng sau, Giám đốc Thành tiếp tục ký văn bản ngày 17-12-2009 “điều chỉnh” số tiền cho vay còn 43 tỷ, thời gian vay rút xuống 10 năm, lãi ân hạn chỉ 2 năm, nhưng lãi thì vọt lên 9%/năm.
Cán bộ Quỹ ĐTPT Bình Dương “giám sát” tại trường
 Chủ tịch HĐQT Công ty Khai Minh Đặng Thị Ngọc Bích cho biết: “Điều kiện Giám đốc Thành đưa ra rất căng nhưng thời điểm này trường đã xây dựng được 5 tháng, buộc công ty phải chấp nhận, không thể rút lui. Với nỗ lực hết mình, chúng tôi đã xây dựng thành công ngôi trường đoạt liền hai giải quốc tế Kiến trúc châu Á và World Architecture News (WAN) của Hoa Kỳ. Trường rất khang trang, cơ sở vật chất tiện nghi, học phí thì “mềm” (có chính sách hỗ trợ cho học sinh hoàn cảnh khó khăn) nhưng số học sinh (HS) theo học lại thấp hơn dự tính. Cụ thể: niên khóa đầu tiên (2010 - 2011) trường chỉ tiếp nhận được 170 em cho cả hai cấp (bằng 1/4 chỉ tiêu), sang đến 2011 - 2012 chỉ có 130 HS, niên khóa 2012 - 2013 cũng chỉ có 160 em. Dù vậy, trường vẫn tổ chức dạy và học tốt, đạt nhiều thành tích, nổi bật nhất là tỷ lệ HS đậu tốt nghiệp THPT 100%. Với kết quả đạt được, trường đã góp phần giải quyết nhu cầu học tập của con em trên địa bàn tỉnh. Theo bà Bích, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến không đạt chỉ tiêu tuyển sinh là do một số trường trên địa bàn TX. Dĩ An dù không đủ điều kiện vẫn tiếp nhận HS bán trú.
BỊ DỒN VÀO CHÂN TƯỜNG
Bà Bích trình bày, không đạt kế hoạch tuyển sinh, doanh thu của trường chỉ đủ thanh toán lương và chi phí quản lý. Về phần vốn vay, trong hoàn cảnh như thế nhưng trường đã đóng lãi liên tục cho Quỹ ĐTPT Bình Dương suốt hơn hai năm (từ tháng 1-2010 đến tháng 2-2012) với gần 6 tỷ đồng. Đến tháng 8-2012, trường nợ 5 tháng tiền lãi, Quỹ ĐTPT cho rằng “làm ảnh hưởng uy tín quốc gia” nên giới thiệu đối tác mua lại trường.
Trường THCS và THPT Phan Chu Trinh
Vị chủ tịch HĐQT bức xúc: “Chúng tôi không đồng ý, Quỹ ĐTPT liền cho cán bộ xuống “giám sát” khiến hoạt động của trường xáo trộn, thầy cô, HS hoang mang. Chưa hết, trong đợt thi chuyển cấp năm 2012 (trường Nguyễn An Ninh mượn cơ sở), Giám đốc Quỹ ĐTPT Lê Văn Thành đã kéo một đoàn đến “làm việc” (thực chất là đòi nợ) ngay hôm thi cuối cùng. Ngày 15-8-2012, Giám đốc Thành tiếp tục ký văn bản kiểm tra, giám sát tài sản thu hồi nợ quá hạn và nợ lãi treo đối với trường”.
Bà Bích phản ứng: “Tuân thủ chỉ đạo của Giám đốc Thành, nhiều cán bộ của Quỹ ĐTPT Bình Dương thay nhau xuống trường giám sát giống như canh chừng kẻ trộm. Khi đến, các vị này không cần báo trước; tới nơi họ thích ngồi đâu thì tùy. Trước mặt hàng trăm HS, giáo viên toàn trường, cán bộ ra oai “anh chị”, ngồi gác chân lên bàn rất sống sượng. Nhiều đối tác đến giao dịch đã bỏ đi khi nhìn thấy hình ảnh khó coi này. Đến tháng 12-2012, Quỹ ĐTPT tiến thêm một bước khi cho cán bộ đến trường niêm phong tất cả tài sản hiện hữu và tháng 6-2013 tiếp tục dán niêm phong lần hai”.
Song hành với việc “giám sát”, ngày 22-11-2012 Giám đốc Quỹ ĐTPT Bình Dương khởi kiện ra tòa, đòi Công ty Khai Minh trả cả vốn lẫn lãi hơn 45,17 tỷ đồng. Tại phiên xử sơ thẩm ngày 22-4-2013, Tòa án nhân dân TX. Dĩ An do thẩm phán Nguyễn Thị Mỹ Hạnh ngồi ghế chủ tọa, tuyên buộc Công ty CP Khai Minh trả cho Quỹ ĐTPT Bình Dương 46,778 tỷ đồng.
Công ty CP Khai Minh kháng cáo. “Nhiều vấn đề, nhất là vi phạm tố tụng nghiêm trọng của cấp sơ thẩm, sẽ được làm rõ tại phiên tòa phúc thẩm theo dự kiến diễn ra ngày 26-7-2013”, luật sư của bị đơn khẳng định.
-----------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét