Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Show thực tế nên đổ tiền tỷ cho giám khảo hay thí sinh?

Thay vì đầu tư cho thí sinh, các cuộc thi tại Việt Nam và cả nước ngoài vẫn dành quá nhiều chi phí để mời giám khảo và đầu tư chiêu trò hào nhoáng.
Dốc hầu bao mời giám khảo “hot”
Trước khi bất kỳ chương trình truyền hình thực tế nào khởi động, thông tin về thành phần ban giám khảo cũng như những con số khủng mà nhà sản xuất phải chi để có được chữ ký của những gương mặt này luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của người hâm mộ.
Điển hình là American Idol mùa 13 vừa bước vào gian đoạn tuyển chọn thí sinh, nhưng trước đó cả 3 tháng, hàng loạt tin đồn cũng làm hao tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí cũng như trở thành đề tài bàn tán của khán giả.
Không đâu xa, khi Vietnam Idol 2013 vừa có thông tin trở lại cùng X-Factor lần đầu đến Việt Nam, thông tin được công bố đầu tiên cũng như được bàn tán nhiều nhất không thể nào khác ngoài những tên tuổi sẽ ngồi vào chiếc ghế nóng.
Mỹ Tâm và Hồ Hồ đều được nhận cát-xê khủng để ngồi vào vị trí ban giám khảo.
Thực tế, đây là điều dễ hiểu vì những gương mặt nổi tiếng này chính là “cần câu” khách đầu tiên, quyết định rating hay thậm chí là quy mô của một show truyền hình. Không đơn giản để mời Mỹ Tâm ngồi vào ghế nóng của Vietnam Idol, cũng chẳng phải ai cũng có thể sắp xếp Hồng Nhung, Mỹ Linh, Quốc Trung và Đàm Vĩnh Hưng ngồi cùng vị trí tại The Voice.
Ngoài việc nhà sản xuất phải đảm bảo đây là chương trình có sự đầu tư xứng đáng, thì số tiền phải bỏ ra chắc chắn cũng phải là một con số khủng.
Một nguồn tin cho biết, Cát Tiên Sa đã chi 500 triệu đồng để Hồ Ngọc Hà xuất hiện với vai trò thành viên ban giám khảo The Voice mùa 1. Thậm chí, để bảo toàn cho độ hot của X-Factor lần đầu đến Việt Nam, nhà sản xuất không ngại chi tiền cùng những ưu ái nhất định để giữ chân Hồ Ngọc Hà không tham gia vai trò giám khảo cho bất kỳ chương trình nào trước đó. Mỹ Tâm cũng đã nhận một số tiền không dưới nửa tỷ đồngđể có thể toàn tâm toàn ý đảm nhận vai trò giám khảo Vietnam Idol trong suốt hành trình kéo dài gần nửa năm. Ở mùa mới 2013, cô cũng được dự đoán sẽ trở lại "ghế nóng" và số tiền mà nhà tổ chức chi ra để mời cô chắc chắn cũng cao hơn để giải tỏa cho lý do "nghỉ làm giám khảo để tập trung cho sự nghiệp ca hát" của cô.
Với các chương trình của nước ngoài, thì cát-xê tính bằng con số chục triệu độ là chuyện bình thường.
Tuy nhiên, đôi khi sự đầu tư quá đà này chỉ có tác dụng “lôi kéo” khán giả trong quãng thời gian đầu, bởi ngôi sao có “hot” cỡ nào cũng không thể cứu cả một show nếu nó không thật sự hấp dẫn. Vậy điều gì mới là tác nhân chính có thể  làm nên thành công này?
Thí sinh “khủng” hơn giám khảo “khủng”
American Idol 2013 đã chi tổng cộng 30 triệu đô (gần 650 tỷ đồng) để mời diva Mariah Carey và rapper đình đám Nicki Minaj, tuy nhiên mùa giải này vẫn thất bại thảm hại khi rating có lúc giảm đến mức thấp nhất trong lịch sử 12 năm thực hiện. Đơn giản vì chất lượng thí sinh quá tệ, không có cá tính rõ ràng để khán giả kiên nhẫn đón xem từng tuần. Chưa kể việc hai nữ giám khảo này cũng không hoàn thành vai trò của mình mà chỉ chăm chăm “đá đểu” nhau.
Không nằm ngoài dự đoán, các thí sinh lần lượt bước ra từ mùa này cũng không thể làm nên trò trống gì trong showbiz đầy tính cạnh tranh.
Tương tự, The X-Factor tưởng như đã nắm chắc trong tay phần thắng khi mời được công chúa nhạc Pop Britney Spears, nhưng cuối cùng màn chào sân của cuộc thi này tại Mỹ cũng không được rầm rộ như mong đợi vì không tìm ra được thí sinh tạo được hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ.
The Voice Vietnam mùa đầu tiên được đánh giá là đã thành công ngoài sức tưởng tượng, nhưng nếu không nhờ có những Hương Tràm, Đinh Hương, Bảo Anh, Bùi Anh Tuấn… thì chưa chắc bộ tứ ban giám khảo khủng kia có đủ sức để làm được điều này.
Giọng hát Việt nhí được yêu thích nhờ dàn thí sinh.
Một phép thử rõ ràng hơn là giữa Giọng hát Việt mùa thứ 2 và Giọng hát Việt nhí mùa đầu đang diễn ra song song, dù có dàn ban giám khảo “khủng” hơn công thêm nhiều lợi thế về thời gian phát sóng, chi phí đầu tư… nhưng đến thời điểm này, chương trình nào thật sự hút khán giả nhiều hơn thì có lẽ ai cũng đã biết rõ. Đơn giản, Giọng hát Việt không có Phương Mỹ Chi, Quang Anh, Ngọc Duy… những cái tên để khán giả phải mong chờ để theo dõi hằng đêm.
Đến thời điểm này, nếu không tìm ra được một giọng ca đặc biệt, thì có cỡ Diva Mỹ Linh hay Hồng Nhung cũng chẳng thể cứu được cả chương trình này.  
Đầu tư tìm thí sinh chất lượng
Không giống như các thuộc thi nặng nề tính học thuật, chương trình thực tế cần thí sinh giỏi, nhưng cũng cần phải có cá tính và tạo được sự khác biệt để có thể gây ấn tượng với khán giả. Để tìm ra được những thí sinh có đủ những tiêu chí này, công đầu phải thuộc về nhà sản xuất và ban giám khảo.
Jennifer Lopez 2 mùa tham gia American Idol, dù không nhận được sự đồng tình trong những ngày đầu tham gia vì khán giả cho rằng cô chỉ là ca sĩ thị trường chứ không có tính chuyên môn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm hơn 10 năm hoạt động, nữ ca sĩ đủ sức nhìn đâu ra được những thí sinh có tố chất thành công trong showbiz. Cuối cùng, 2 giọng ca được nữ ca sĩ này ủng hộ từ những ngày đầu đều dành phần thắng và đều làm nên chuyện sau đó.
Trong khi đó, với Mỹ Linh, cô lại hướng các thí sinh trong team của mình theo hướng học thuật nên đã không được lòng các khán giả vốn cần sự mới mẻ và cá tính khi chọn theo dõi The Voice.
Phương Mỹ Chi là một phát hiện xuất sắc của ê-kíp The Voice Kids.
Cô bé Phương Mỹ Chi là một phát hiện thành công của ê-kíp The Voice Kids. Vốn tưởng chừng như dòng nhạc dân ca không được lớp khán giả trẻ ưa chuộng, vậy mà giờ đây, từng phần thi của em đã tạo nên được cơn sốt đáng kể. Thử hỏi giờ đây người ta xem The Voice Kids vì em, hay lý do khác?
So you think you can dance mùa đầu không có ngôi sao trên ghế nóng, nhưng vẫn khiến khán giả rơi nước mắt bởi những vũ công tài năng và tâm huyết với nghề. Trong khi đó, Cuộc đua kỳ thú vốn không phải là một show ăn khách so với các cuộc thi ca nhạc, thời trang đã có một năm ăn nên làm ra khi tìm kiếm được những thí sinh có yếu tố gây chú ý và tranh cãi như Hari, Nhan Phúc Vinh...
Thật ra để tìm ra được những nhân tố này đôi khi vẫn cần đến những yếu tố may mắn. Nhưng với những con mắt có nghề, may mắn này chắc chắn sẽ đến gần hơn rất nhiều.
Không thể trách nhà sản xuất móc hầu bao khủng để mời dàn giám khảo “hot”, đầu tư những chiêu trò hào nhoáng. Nhưng nếu chỉ chăm chăm vào những gương mặt “có tiếng, nhưng không có miếng”, e rằng đây là một sự đầu tư lãng phí. Thay vào đó, chỉ cần dành chút chi phí để đầu tư cho thí sinh hoặc cả âm thanh, ánh sáng, ban nhạc… đôi khi sẽ tạo ra được kết quả viên mãn hơn rất nhiều.
Các nhà sản xuất chương trình đã tăng mức tiền thưởng lên cao để câu kéo thí sinh, tuy nhiên, ngoài việc đặt sẵn món tiền treo trước mắt, họ cũng nên chủ động dùng đồng tiền của mình vào chi phí "săn lùng" các thí sinh ở mọi nơi. Gần đây, các cuộc thi tìm kiếm tài năng tại Việt Nam đã bắt đầu mở rộng phạm vi tuyển chọn thí sinh ra nhiều tỉnh thành khác nhau. Hy vọng đây sẽ là bước đầu trong việc giúp các chương trình này không phải rơi vào tình thế phải "chết yểu".
-----------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét