Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Giá trị của K-pop: Cứ để nhạc Việt thua trên sân nhà

Trong khi phần đông kẻ cầm ca tại Việt Nam còn chưa đáng gọi là ca sĩ thì nghệ sĩ Hàn xứng đáng có được sự hâm mộ từ giới trẻ với những nỗ lực, đầu tư nghiêm túc của họ. 
Cách đây gần 20 năm, khi Hàn Quốc bắt đầu tấn công vào Việt Nam qua những bộ phim tình cảm sướt mướt, Kpop mới chỉ là thứ gì bé nhỏ không dấu ấn. Vậy nhưng sự trỗi dậy của nhạc Hàn trên thị trường châu Á trong khoảng một thập kỷ nay đã khiến không ít người cảm thấy ngạc nhiên.
Có người nhún vai xem đó là hệ quả "ăn theo" tất yếu từ phim ảnh; có người lại khó hiểu thắc mắc: "Rốt cục thứ âm nhạc "loi choi" đó có gì hấp dẫn thu hút người nghe". Thực ra, thành công của nhạc Hàn hiện nay không phải là thứ gì ngẫu nhiên "từ trên trời rơi xuống". Nó là phần thưởng xứng đáng cho sự đầu tư bài bản, công sức PR có tổ chức và cả những giọt mồ hôi hết mình của nghệ sĩ xứ củ sâm.
Ngay cả những nam nữ ca sĩ mang danh thần tượng, họ đã phải tập luyện vũ đạo, thanh nhạc, kỹ năng làm người nổi tiếng ngay từ khi còn rất nhỏ. Thông thường, để được ra single, album và được chính thức gia nhập làng nổi tiếng, những nghệ sĩ Hàn phải mất 5 - 6 năm, thậm chí cả chục năm để nuôi dưỡng ước mơ này. 
Trong mắt của cơ số khán giả, hình ảnh của các nam thanh nữ tú Hàn thật lung linh với đồ hiệu đẳng cấp, nhan sắc hoàn hảo và cuộc sống sung sướng như người trong hoàng tộc. Thật ra, bóc trần lớp vỏ đó là một sự hy sinh không nhỏ của nghệ sĩ tới từ đất nước củ sâm. Họ hy sinh đời tư khi bị cấm đoán việc có người yêu, hy sinh thời gian khi lịch diễn kín mít từ sáng tới tối, hy sinh chính sức khỏe khi bị ép mình vào một chế độ ăn hà khắc cùng lịch tập luyện không khác gì tra tấn thể lực. 
Để có được hình ảnh hoàn mỹ thế này, nghệ sĩ Hàn đã mất cả chục năm rèn luyện và chấp nhận hy sinh nhiều thứ
Để có được hình ảnh hoàn mỹ thế này, nghệ sĩ Hàn đã mất cả chục năm rèn luyện và chấp nhận hy sinh nhiều thứ
Ngoài ra, chiến lược toàn cầu của những công ty quản lý thần tượng tại Hàn Quốc cũng buộc những nghệ sĩ của họ phải có một lý lịch trong sạch và những kỹ năng toàn diện bên cạnh chuyên môn về âm nhạc. Đó là lý do mà không ít ca sĩ tại Hàn Quốc có thể làm MC, diễn viên, tham gia show truyền hình và nói được nhiều ngoại ngữ.
Sự đa năng của nghệ sĩ Hàn không phải chỉ là kiểu nửa vời, muốn thử sức lĩnh vực này một chút, muốn lấn sân địa bàn kia một ít như ở Việt Nam. Cả chục năm vất vả rèn luyện đằng sau hậu trường mới đem lại cho họ những khả năng và sự toàn diện như vậy.
Tất nhiên, hào quang bao giờ cũng bị đánh đổi với mặt tối của sự nổi tiếng. Tôi kể lể những điều ở trên chỉ muốn chứng minh thần tượng nhạc Hàn cũng hoạt động nghệ thuật nghiêm túc, bằng mồ hôi, nước mắt thậm chí là xương máu chứ không phải sự đi lên dễ dãi như không ít kẻ mang danh nghệ sĩ tại Việt Nam. 
Tại Việt Nam, không gì dễ hơn việc trở thành một ca sĩ. Một cô hotgirl sau khi tung ra vài bộ ảnh đẹp, một siêu mẫu sau khi tập tành tham dự một gameshow truyền hình, một diễn viên sau khi đóng được vài bộ phim có tiếng, một người đẹp sau khi đăng quang ở vài cuộc thi sắc đẹp, tất cả đều có thể ngẩng đầu kiêu hãnh "Tôi biết hát" và lần lượt xuất bản mấy album. Chính sự bát nháo tới mức "hổ lốn" như vậy đã khiến thị trường âm nhạc Việt Nam đang ngày càng rơi vào tình trạng nghệ thuật thì "hồ tinh" mà thảm họa thì "hồ đa". 
Bởi vậy, trên quan điểm của một khán giả nghe nhạc, tôi thấy không có gì là đáng lên án khi nhạc Hàn được yêu thích và phát triển tại Việt Nam. Ít nhất sự tồn tại của nhạc Hàn khi đặt lên bàn cân với nhạc Việt sẽ cho khán giả thấy những bất cập, yếu kém, nghiệp dư của nền âm nhạc nước ta. Nếu những người đang mang danh làm nghệ thuật Việt Nam không muốn nhận bàn thua ngay trên sân nhà thì bản thân họ phải có sự thức tỉnh, sàng lọc thay vì chỉ ngồi đó và chỉ trích giới trẻ Việt đang lai căng, mất gốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét